Bộ Y tế cảnh báo: Sau Covid-19, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ gia tăng

08:13 - Chủ Nhật, 12/03/2023 Lượt xem: 6036 In bài viết

Theo nhận định được Bộ Y tế đưa ra, qua 3 năm dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn. Số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ gia tăng.

Ngày 10-3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BYT về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023.

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 43.000 trường hợp tử vong. Riêng năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9,7 triệu ca mắc Covid-19.

Ngoài ra, năm 2022, nước ta cũng ghi nhận hơn 371 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 5 lần so với năm 2021) và 144 trường hợp tử vong (tăng 5,3 lần so với năm 2021). Số mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cao hơn số mắc trung bình năm các giai đoạn trước.

Cùng với đó, trong năm 2022, tại thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 2 trường hợp đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 1 trường hợp dương tính với cúm A (H5).

Còn lại, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn trong cộng đồng; số mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Dù vậy, theo Bộ Y tế, dịch bệnh luôn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Thêm vào đó, các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện, miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng ở một số nơi còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc thiểu số sinh sống; tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt tiến độ đề ra.

Mặt khác, với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao do hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại cùng với thời tiết thay đổi bất thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đặc biệt, qua 3 năm dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt như mong muốn. Số trẻ em chưa tiêm chủng còn cao, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ gia tăng. Thêm vào đó, sốt xuất huyết cũng có khả năng gia tăng với dự báo mùa mưa đến sớm, lượng mưa tăng cao và nguy cơ xâm nhập của type vi rút; các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước…

Chính vì vậy, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 mà Bộ Y tế đề ra là giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế đề nghị, các đơn vị tiếp tục bám sát dịch bệnh trong nước và quốc tế, chủ động giám sát các trường hợp nghi ngờ, các ca mắc bệnh tại các cửa khẩu và tại các cơ sở y tế, thực hiện giải trình và phát hiện sớm các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.

Với các dịch bệnh khác, Bộ Y tế cho biết, sẽ tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm và dựa vào sự kiện. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát các đối tượng, tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo… Bảo đảm tỷ lệ tiêm vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% quy mô cấp xã trên phạm vi toàn quốc.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top