ĐBP - Thời gian qua xảy ra tình trạng thiếu thuốc ở một số cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh dẫn đến tình trạng người bệnh thuộc diện được Bảo hiểm y tế chi trả phải mua thuốc tại các quầy thuốc tư nhân. Trước thực trạng đó, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế đáp ứng cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Việc quy định giá mời thầu bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu của 12 tháng trước đó đã được công bố ở bất kỳ địa phương nào của cùng một loại thuốc, vật tư và cùng nhóm kỹ thuật dẫn đến việc đấu thầu rất khó thực hiện do chưa tính đến yếu tố nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt là tham khảo giá thầu ở các cơ sở khám chữa bệnh vùng sâu, vùng xa. Vì vậy các nhà thầu không tham gia do không mang lại hiệu quả kinh doanh. Tình trạng hết hạn đăng ký của một số loại thuốc, thiếu nguồn nguyên liệu, cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng nên có hiện tượng khan hiếm thuốc đặc trị mà các công ty dược trong nước chưa sản xuất được. Ví dụ nhu cầu sử dụng các loại thuốc hiếm, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất không nhiều, nhưng bắt buộc phải có. Dẫn đến ít công ty tham gia, hoặc không tham gia dự thầu. Ngoài ra, một số nhà thầu trúng thầu cung ứng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia không cung ứng được thuốc hoặc cung ứng nhỏ giọt cũng gây nên tình trạng thiếu thuốc.
Việc tổ chức đấu thầu thuốc trên địa bàn tỉnh Điện Biên được thực hiện tại 3 cấp, gồm: Đấu thầu tập trung cấp quốc gia; đấu thầu tập trung cấp địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh tự tổ chức đấu thầu. Tổ chức đấu thầu vật tư y tế trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh giao các cơ sở khám chữa bệnh tự tổ chức đấu thầu. Đến thời điểm hiện tại, kết quả đấu thầu thuốc trên địa bàn tỉnh đã đạt được như sau: Đối với đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương, 68% số mặt hàng đã trúng thầu. Đối với đấu thầu thuốc do các cơ sở khám chữa bệnh tự tổ chức đấu thầu, tỷ lệ trúng thầu theo từng cơ sở khám chữa bệnh, thấp nhất là 21% (Bệnh viện Phổi) đến 92% (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) số mặt hàng đã trúng thầu. Các mặt hàng thuốc không trúng thầu thường là các mặt hàng mời thầu với số lượng ít, giá trị thấp nên không có nhà thầu tham dự thầu.
Trao đổi về công tác đảm bảo thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc do không trúng thầu, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh phương án mua các thuốc không trúng thầu và đã được UBND tỉnh đồng ý (tại văn bản số 400/UBND-KGVX ngày 13/02/2023, văn bản số 795/UBND-KGVX ngày 10/3/2023) cho phép các cơ sở khám chữa bệnh mua các thuốc không trúng thầu đã được UBND tỉnh phê duyệt hoặc các thuốc đã được UBND tỉnh phê duyệt, song không thể thực hiện do không có đơn vị cung ứng cho đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu bổ sung.
Nhằm đảm bảo thuốc, vật tư y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân trên địa bàn, Sở Y tế đang khẩn trương tổ chức thực hiện Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương tổ chức đấu thầu bổ sung đối với các thuốc, vật tư y tế không trúng thầu để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ hoạt động khám chữa bệnh, đặc biệt là khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tổ chức rút kinh nghiệm qua việc giao cho các cơ sở khám chữa bệnh tự tổ chức đấu thầu, từ đó đề ra phương án đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế năm 2024 và các năm tiếp theo trình UBND tỉnh quyết định cho phù hợp với tình hình địa phương.