Cảnh giác trước nguy cơ bệnh dại ở huyện Điện Biên

14:11 - Thứ Tư, 29/03/2023 Lượt xem: 6938 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, tình hình bệnh dại ở chó, mèo trên địa bàn xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) đang có dấu hiệu phức tạp. Tính riêng trong tháng 3, trên địa bàn xã có 4 thôn, bản, đội có chó, mèo nghi mắc bệnh dại. Đã có 7 người ở đội 7, đội 17, bản Noong Nhai I và bản Pá Cấu bị chó nghi mắc dại cắn. Trong đó, có 1 con chó đã chết sau khi cắn người 3 ngày. Sau khi xét nghiệm mẫu, cơ quan chuyên môn đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với vi rút dại.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên tiếp nhận vắc xin thực hiện công tác tiêm phòng bệnh dại trên động vật.

Cuối tháng 1/2023, gia đình ông Dương Văn Thức, ở đội 7, xã Thanh Xương mua một con chó từ hộ dân ở đội 11 (cùng xã) về nuôi. Đến đầu tháng 3, trong lúc bắt giữ con chó thì ông Thức bị cắn vào tay. Sau khi cắn người 3 ngày thì con chó chết, gia đình tự đem mẫu đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dại. Qua xác minh của lực lượng chức năng, tại thời điểm đó, con chó chưa được gia đình tiêm phòng vắc xin dại. Lực lượng chức năng đã hướng dẫn người bị chó cắn đến cơ sở y tế tiêm ngừa dại đầy đủ, đúng quy định.

Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: Sau khi phát hiện trên địa bàn xã xuất hiện bệnh dại, UBND xã đã chỉ đạo thú y xã phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến các thôn, bản tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại đối với người; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh dại lây sang người. Đồng thời chỉ đạo các trưởng thôn, bản vận động người dân nhốt chó mèo, không thả rông ra cộng đồng; tiến hành đăng ký tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Đến nay, xã đã triển khai tiêm tại 18/22 thôn, bản, đội; số còn lại hiện đang ngừng tiêm do chưa có vắc xin.

Được biết, từ cuối năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Điện Biên xuất hiện nguy cơ bệnh dại diễn biến phức tạp. Không chỉ trên địa bàn xã Thanh Xương, hiện nay tại một số xã: Mường Nhà, Pa Thơm, Thanh Hưng cũng xảy ra tình trạng chó có biểu hiện lạ cắn người. Qua kiểm tra xác minh, những con chó cắn người có biểu hiện nghi mắc bệnh dại. Đặc biệt, tháng 11/2022 tại xã Pa Thơm ghi nhận một trường hợp người tử vong nghi mắc bệnh dại. Trước tình trạng trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên đã tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp với chính quyền các xã tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương mình quản lý. 

Theo ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên, nguy cơ bệnh dại gia tăng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người nuôi chó, mèo không chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi nên số lượng chó, mèo được tiêm phòng đạt rất thấp so với tổng đàn nuôi. Cụ thể, qua rà soát tổng đàn chó, mèo toàn huyện có gần 26.000 con; tuy nhiên, tỷ lệ người dân đăng ký tiêm vắc xin chỉ đạt 8.920 liều (tương đương 8.920 con chó, mèo). Số chó, mèo còn lại không được đăng ký tiêm phòng. Đến nay, toàn huyện mới tiêm được khoảng 3.000 liều vắc xin trong tổng số 8.920 liều.

Cùng với tỷ lệ tiêm phòng dại thấp, công tác quản lý nuôi chó trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Tình trạng chó nuôi thả rông, không rọ mõm còn rất phổ biến, ngay cả tại các thôn, đội có chó nghi mắc dại. Để hạn chế bệnh dại bùng phát, Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, như: Tăng cường công tác tuyên truyền đến Nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và mức lây truyền từ động vật sang người. Quản lý chặt đàn chó, mèo nuôi tại các khu dân cư; tiến hành điều tra, xây dựng bản đồ dịch tễ bệnh dại; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ phòng, chống bệnh dại cho thú y viên; cung cấp đầy đủ, kịp thời vắc xin dại chó, mèo theo nhu cầu của các xã. Tăng cường rà soát đối tượng được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh dại như: Người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người trực tiếp tham gia phòng chống bệnh dại ở những vùng có nguy cơ cao, vùng có dịch và các trường hợp đặc biệt khác theo quy định hiện hành.

Đối với người dân, cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi là chó, mèo theo quy định; đăng ký, xích nhốt, không thả rông và đeo rọ mõm cho chó khi ra đường. Nếu trường hợp không may bị chó, mèo cắn, cào phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng đầy đủ, đúng chỉ định; không chủ quan, coi thường bệnh dại, tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc trong dân gian để tự điều trị. Người dân cần báo chính quyền, cơ quan thú y địa phương để giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện chó, mèo nghi mắc dại trong cộng đồng. 

Bài ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top