Hành trình nỗ lực đưa vắc xin về bản ở Điện Biên (bài 3)

10:15 - Thứ Hai, 30/09/2024 Lượt xem: 5542 In bài viết

Bài 3: Vắc xin vượt núi!

ĐBP - Để nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin, tiêm ngoại trạm hiện đang được Điện Biên xem là giải pháp tối ưu nhất nhằm lấp dần những “khoảng trống” về vắc xin, nâng cao miễn dịch cộng đồng. Với chủ trương này, đều đặn mỗi tháng, những bước chân bền bỉ của lực lượng y tế địa phương vẫn âm thầm vượt núi, đưa vắc xin về tận các bản làng heo hút, vùng sâu, vùng xa, biên giới...

Bài 2: “Lỗ hổng” miễn dịch cộng đồng

Bài 1: Tiêm chủng mở rộng đối mặt thách thức “kép”

Lập trạm tiêm “dã chiến”

Trung tuần tháng 9, khi những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu len lỏi qua từng triền núi, đội ngũ y tế xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) lại tất bật lên đường, bắt đầu chiến dịch đưa vắc xin về bản. Theo lịch hẹn trước, hôm nay đoàn triển khai tiêm tại bản Háng Lia - nơi có gần 100 hộ đồng bào Mông sinh sống. Đây là 1 trong 9 điểm tiêm ngoại trạm đang được lực lượng y tế địa phương duy trì hàng tháng.

Để đến được Háng Lia, cán bộ Trạm phải vượt qua quãng đường dài 14km, trong đó có khoảng 6km hoàn toàn là đường đất, với địa hình đồi núi hiểm trở. Từ trung tâm xã, họ di chuyển hoàn toàn bằng xe máy qua những đoạn đường đất gồ ghề, bị nước xói mòn nham nhở. Vì vẫn còn vài trận mưa rải rác, nên nhiều chỗ sạt lở, phải khó khăn lắm mới đưa được cả xe, người và thiết bị y tế qua. “Một số điểm, y bác sĩ phải mang vác thùng lạnh chứa vắc xin, dụng cụ y tế đi bộ. Việc vận chuyển vắc xin không hề đơn giản, bởi những yêu cầu ngặt nghèo liên quan đến chất lượng (nhiệt độ bảo quản phải ổn định từ 2-8°C, vác xin còn nguyên vẹn, không bị vỡ, rò rỉ…)” - Trạm trưởng Trạm y tế Keo Lôm, Trương Thị Lan Anh chia sẻ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) truyền thông cho các bà mẹ về chương trình tiêm chủng mở rộng.

Không điện, không thiết bị hiện đại, điểm tiêm được đặt ngay tại nhà văn hóa bản. Một vài chiếc bàn được kê để đặt dụng cụ, thiết bị y tế; kế đó là vài dãy ghế cho bà con ngồi chờ. Trên bàn tiêm để sẵn tờ rơi, có ghi thông tin các loại vắc xin sẽ tiêm trong ngày (vắc xin phòng bệnh sởi, ho gà, uốn ván cho trẻ em và vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho phụ nữ mang thai). Buổi tiêm chủng bắt đầu bằng việc khám sàng lọc, đo thân nhiệt và thăm hỏi tiền sử bệnh tật của từng trường hợp. An toàn tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu ở đây. Mỗi thao tác thực hiện đều được giới thiệu, giải thích rõ ràng bằng tiếng Mông để bà con dễ hiểu, đồng thời tạo không khí thân thiện, giảm bớt căng thẳng.

Chị Giàng Thị Dợ, hôm nay cũng có mặt cùng cậu con trai thứ 2 mới sinh được vài tháng. Đây là mũi đầu tiên của con, nên chị không khỏi lo lắng. Sau tiêm, chị Dợ được hướng dẫn tỉ mỉ về cách theo dõi, chăm sóc con; với trường hợp con sốt cao cần đưa đến cơ sở y tế. Bác sĩ cũng yêu cầu chị và các phụ huynh khác cho con ở lại khu vực theo dõi trong 30 phút để phòng ngừa các phản ứng sau tiêm.

Cán bộ Y tế xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) tiêm vắc xin tại nhà cho trẻ.

“Ban đầu mình cũng lo lắng, nhưng nghe các bác sĩ bảo phải tiêm thì mới phòng bệnh được, tiêm xong con sốt là phản ứng bình thường, như thế là con đã đáp ứng với vắc xin nên mình mới yên tâm. Các bác sĩ cũng tận tình, lại nói chuyện với bà con bằng tiếng Mông nên ai cũng hiểu và vui vẻ tham gia. Bà con mình ở đây vì đường xa, khó khăn, ngại đưa con đi tiêm. Giờ bác sĩ mang vác xin đến tận nơi rồi thì mình cũng cố gắng cho con đi tiêm đầy đủ" - Dợ tâm sự.

Dù buổi tiêm chưa diễn ra như kỳ vọng, bởi một số trường hợp đã được thông báo nhưng vẫn cho con ở lại lán nương, không về tiêm đẩy đủ, cán bộ y tế phải kiên trì chờ đợi đến cuối ngày, hoặc tổ chức tiêm vét, tiêm bù vào 1 buổi khác. Song, chính nhờ vào sự nỗ lực không mệt mỏi ấy mà không chỉ ở Háng Lia, nhiều bản vùng cao khác trong tỉnh đã được tiếp cận với vắc xin và chăm sóc y tế. Những mũi tiêm quý giá không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về việc phòng ngừa dịch bệnh.

Mũi tiêm “24h” tại nhà

Trong các loại vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng đang được triển khai toàn quốc, Viêm gan B sơ sinh được gọi là mũi tiêm 24h. Bởi đây là loại vắc xin phòng bệnh được khuyến cáo chỉ tiêm trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi trẻ sinh ra. Với ý nghĩa đặc biệt này, mũi tiêm Viêm gan B sơ sinh trở thành thách thức lớn đối với các địa bàn vốn được xem là “vùng lõm” về dịch vụ y tế.

Tại Điện Biên, thống kê trung bình hàng năm có khoảng 13.000 trẻ được sinh ra, trong đó có trên 7.000 trẻ đẻ tại các cơ sở y tế, được đảm bảo quyền lợi mũi tiêm Viêm gan B sơ sinh; còn lại khoảng trên dưới 40% trẻ sinh tại nhà đối mặt nguy cơ “nói không” với vắc xin này. Tuy nhiên, bằng chiến dịch “mũi tiêm 24h tại nhà”, Điện Biên đã làm nên kỳ tích, trở thành 1 trong 2 tỉnh (cùng với Sơn La) có số lượng trẻ được tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh tại nhà cao nhất khu vực miền núi phía Bắc.

Cán bộ Trạm Y tế xã Na Sang (huyện Mường Chà) vận chuyển vắc xin Viêm gan B sơ sinh đến nhà tiêm cho trẻ.

Na Sang là 1 trong những địa phương triển khai tốt nhất chiến dịch này ở tỉnh. Xã có 10 bản, trong đó 5 bản vùng cao (xa nhất là Huổi Hạ 35km, hoàn toàn đường đất). Năm 2023, toàn xã ghi nhận có 34 trẻ đẻ tại nhà, trong đó 14 trẻ được tiêm Viêm gan B sơ sinh trong thời gian dưới 24 giờ, 5 trẻ sau 24 giờ. Thống kê 7 tháng đầu năm 2024, ghi nhận có 24 trẻ đẻ tại nhà, 8 trẻ được tiêm trước 24 giờ, 7 trẻ sau 24 giờ.

Để đảm bảo công tác này triển khai tốt nhất, Trạm bố trí riêng điều dưỡng Lương Thị Thảo Linh phụ trách, thực hiện theo dõi, tổ chức các hoạt động của Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trực tiếp thực hiện và theo sát chương trình, nên điều dưỡng Linh nắm rõ từng khó khăn, vướng mắc để tham mưu lãnh đạo đơn vị các giải pháp thực hiện hiệu quả.

Cán bộ Trạm Y tế xã Na Sang (huyện Mường Chà) tuyên truyền nâng cao nhận thức cho sản phụ về ý nghĩa của việc tiêm vắc xin Viêm gan B trước 24 giờ.

Do mũi tiêm được khuyến cáo là tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu sau sinh nên lực lượng y tế đặc biệt coi trọng công tác theo sát, nắm bắt tiến trình mang thai của từng phụ nữ trên địa bàn. Ở Na Sang, đa phần chị em vẫn rất hạn chế đến cơ sở y tế kiểm tra, theo dõi thai kỳ, cán bộ trạm phải dựa vào đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số để cập nhật từng trường hợp. Ngay khi trên địa bàn có phụ nữ sinh thì đội ngũ này báo cáo ngay cho trạm, để tổ chức mang vắc xin đến nhà tiêm kịp thời.

“Tháng 8 vừa qua chúng em thực hiện thêm được 3 mũi Viêm gan B sơ sinh tại nhà, tháng 9 thêm 3 mũi nữa. Cứ thêm được mũi nào, chúng em mừng mũi đó. Ở đây không sợ khó, không sợ khổ, mà điều em trăn trở nhất là địa bàn rộng, giao thông cách trở, bà con lại sống rải rác quá nên việc chạy đua với thời gian để phát huy tối đa hiệu quả mũi tiêm là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, chúng em vẫn sẽ nỗ lực cao nhất có thể!” - Điều dưỡng Linh chia sẻ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Na Sang (huyện Mường Chà) tiêm vắc xin Viêm gan B sơ sinh tại nhà cho trẻ.

Với các đội tiêm chủng lưu động sẵn sàng băng rừng, lội suối đến từng thôn bản, hộ gia đình như ở Na Sang, tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả ấn tượng trong tiến trình đưa vắc xin Viêm gan B sơ sinh đến tận tay những đứa trẻ ngay trong 24 giờ đầu đời. Năm 2023, toàn tỉnh có 400 trẻ đẻ tại nhà được đảm bảo quyền lợi tiêm Viêm gan B sơ sinh; 8 tháng đầu năm 2024 tỷ lệ trẻ được tiêm mũi này tăng 7,1%. Thành công này không chỉ ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con mà còn khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của ngành y tế trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, dù gặp nhiều thách thức về địa lý và điều kiện sống.

Từ những năm 1995, Điện Biên bắt đầu thực hiện chủ trương xóa thôn bản “trắng” về tiêm chủng, thành lập các đội tiêm lưu động. Đến nay, toàn tỉnh đã mở 500 điểm tiêm ngoại trạm, được đặt tại Nhà văn hóa, trưởng bản, bí thư hoặc các địa điểm đáp ứng về mặt bằng ở các thôn, bản, nhóm dân cư. Nhờ nỗ lực này mà đến nay Điện Biên không còn thôn, bản “trắng” về tiêm chủng, mà chỉ có “vùng lõm” với tỷ lệ thấp hơn so với các địa bàn thuận lợi.

Dẫu vậy, để lấp đầy những “khoảng trống” về vắc xin nhằm nâng cao tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, thì vẫn còn không ít “rào cản” đòi hỏi sự đồng bộ về giải pháp và nỗ lực từ nhiều phía. Mà trước tiên là phải bắt đầu bằng việc kiên trì mở dần “cánh cửa hẹp” tư duy, nhận thức của người dân…

Hà Linh - Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top