ĐBP - Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát, bảo vệ rừng. Những thiết bị, phần mềm công nghệ đã giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp…
Trước đây, để tìm được những điểm nghi cháy rừng, những điểm có biến động tăng, giảm rừng hay kiểm tra những diện tích rừng có địa hình khó khăn như trên cao, dốc, khe suối, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông phải đi bộ mất rất nhiều thời gian. Từ năm 2021 đến nay, việc dùng flycam đã giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Với những ưu điểm như có thể bay cao 500m, bay xa 6km để quan sát rừng góc rộng từ trên cao, đặc biệt là ở những khu vực rừng có địa hình đồi núi hiểm trở, việc sử dụng flycam đã góp phần giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng.
Xã Keo Lôm hiện có hơn 3.515ha đất có rừng. Để công tác quản lý rừng triển khai hiệu quả, hằng ngày, anh Lò Văn Phương, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Keo Lôm đều truy cập vào phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS) được cài đặt trên điện thoại để theo dõi các điểm nghi ngờ thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh cung cấp. Không chỉ giúp hỗ trợ công tác xác minh, thu thập thông tin biến động rừng tại hiện trường, xác định ranh giới, tọa độ chính xác và hiệu quả, việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành đã giúp anh Phương cùng với các chủ rừng xây dựng phương án để đi kiểm tra, đo đạc vị trí cụ thể ở ngoài thực địa nhanh, thuận lợi, chính xác hơn.
Huyện Điện Biên Đông có hơn 31.624ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên gần 31.442ha, rừng trồng trên 182ha. Nếu như trước đây, những dụng cụ hỗ trợ như: Bản đồ giấy, máy định vị, la bàn… là những vật “bất ly thân” của cán bộ kiểm lâm địa bàn ở Điện Biên Đông thì đến nay, mọi thứ đều được tích hợp trong một chiếc máy tính bảng hay điện thoại thông minh với đầy đủ các tính năng cần thiết. Thông qua các ứng dụng, phần mềm chuyên dụng trong lâm nghiệp như QGIS (Bản đồ lâm nghiệp); MapInfo; máy định vị GPS, ứng dụng FRMS… đã giúp phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp. Từ việc ứng dụng khoa học công nghệ, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn được nâng cao; những biến động của rừng, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm cơ bản được phát hiện, xử lý kịp thời.
Thực tiễn cho thấy, ứng dụng công nghệ thông minh vào công tác bảo vệ rừng đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Qua đó, không chỉ góp phần ngăn chặn những biến động xấu xâm hại đến tài nguyên rừng, nhất là các vụ cháy rừng, phá rừng trái pháp luật, mà còn thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm trong tình hình mới.
Thu Hằng