Video

Thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng

Thứ Bảy, 15/07/2023 21:37 Lượt xem: 9593 In bài viết

ĐBP - Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026) là kỳ họp hết sức quan trọng, ban hành nhiều nghị quyết liên quan trực tiếp đến việc điều chỉnh, bãi bỏ, bổ sung và ban hành các nghị quyết mới về thực hiện các cơ chế, chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là đối với lĩnh vực giáo dục, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn tỉnh.

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Đặc biệt là để nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua các quyết sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 3 nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua là: Nghị quyết Quy định mức học phí năm học 2022 - 2023 và mức học phí từ năm học 2023 - 2024 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” và nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ trong hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đó là cơ sở thuận lợi để thu hẹp khoảng cách, sự chênh lệch giữa giáo dục vùng khó khăn với vùng thuận lợi; thúc đẩy công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Thực tế, hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhiều giáo viên làm việc ở khu vực khó khăn, vất vả, thiệt thòi nhưng chế độ chính sách đãi ngộ còn thấp, khiến không ít thầy cô giáo đã xin nghỉ thôi việc, thuyên chuyển công tác ra ngoài tỉnh. Cùng với việc thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên so với quy định, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ, tin học âm nhạc, mỹ thuật, nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều trường học thiếu phòng học, phòng bộ môn, nhà bếp, nhà ăn... hoặc các công trình đã hư hỏng xuống cấp nhưng không có kinh phí xây mới, cải tạo sửa chữa… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song ngành Giáo dục cũng đề ra một số giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế.

So sánh với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Điện Biên, thời gian qua, chất lượng Giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đạt nhiều kết quả nổi trội hơn. Hiện nay, toàn tỉnh đã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2 và dự kiến sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3 trong năm học 2024 - 2025. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp tiểu học và tỷ lệ tốt nghiệp THCS đều đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt 99,24%. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023, tỉnh Điện Biên đạt 10 giải, xếp hạng thứ 4/7 tỉnh miền núi phía Bắc. Chỉ số cạnh tranh hàng năm về giáo dục tăng có nhiều kết quả khả quan; trong đó chỉ tiêu điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng 4 hạng, lên xếp hạng thứ 51/63 tỉnh; chỉ tiêu giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt, tăng 03 hạng (từ hạng 61 lên hạng 58/63 tỉnh, thành)… Những kết quả mà ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian qua cũng được các đại biểu HĐND đánh giá cao.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài việc quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian tới, ngành Giáo dục cũng chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tạo điều kiện để nhà giáo ở các trường vùng cao đến các trường có chất lượng dạy học tốt tham quan học tập kinh nghiệm. Thành lập các đoàn công tác hỗ trợ chuyên môn cho các trường ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá chất lượng, kiểm định chất lượng học sinh nhằm hỗ trợ giáo viên trong toàn tỉnh, nhất là giáo viên thuộc vùng khó khăn, vùng cao… Những giải pháp đó sẽ góp phần quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục các vùng, khu vực và các địa phương; qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Phạm Quang

Back To Top