Video

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa

Thứ Bảy, 26/08/2023 09:20 Lượt xem: 9934 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có hệ thống di sản văn hóa khá phong phú với nhiều loại hình, bản sắc văn hóa truyền thống riêng của đồng bào 19 dân tộc cùng sinh sống. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, tiềm năng, lợi thế để phát triển văn hóa và du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đóng góp vào công tác giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống đó, thời gian qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng như các địa phương đã và đang khai thác lợi thế này để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc, góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Sau những ngày bận bịu với công việc nhà nông, thời gian rảnh rỗi, những người phụ nữ dân tộc Lào tại xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) lại bắt tay để dệt lên những mảnh vải thổ cẩm Lào khá tinh xảo và bắt mắt như thế này. Dù đối mặt với sự phát triển đa dạng của nhiều loại vải, giao thoa của nền văn hóa các dân tộc, song trang phục của người Lào vẫn giữ nguyên nét đẹp truyền thống. Và đến nay, nghề dệt thổ cẩm vẫn được lưu truyền tại các gia đình nơi đây theo phương thức mẹ truyền nghề cho con gái. Nhờ vậy, nghề dệt vẫn được gìn giữ và phát huy nguyên giá trị truyền thống của nó.

Người Lào tuy không phải dân tộc có nguồn gốc bản địa tại xã Mường Luân, nhưng đã sinh sống nhiều thế hệ tại mảnh đất này nên trở thành một trong những cộng đồng dân tộc tiêu biểu, giàu truyền thống. Bên cạnh nghề thêu dệt thổ cẩm, các phong tục đám cưới, đám tang, nghi thức, lễ hội truyền thống, tiêu biểu là Lễ Mừng cơm mới, LCúng ma bản, Tết Té nước của dân tộc Lào luôn được người dân gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống,  góp phần làm đa dạng sắc màu văn hóa địa phương.

Với bản sắc văn hóa đa dạng phong phú cùng với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, xã Chà Nưa đã lựa chọn xây dựng bản văn hóa Nà Sự trở thành địa điểm phát triển du lịch cộng đồng. Khai thác lợi thế những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời, như: Không gian kiến trúc nhà sàn, trang phục, nghề thủ công hay những món ăn truyền thống... Chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân giữ nguyên cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Không riêng về cơ sở vật chất mà đến những món ăn ở đây cũng khá dân dã, nhưng đậm đà hương vị của đồng bào dân tộc Thái.

Để du khách được trải nghiệm trong không gian văn hóa ngôi nhà sàn của người Thái, các gia đình mở dịch vụ cho khách nghỉ ngơi tại nhà cũng sử dụng các đồ dùng có chất liệu thổ cẩm - nét đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái.

Trong bối cảnh chung của sự phát triển, xuất hiện một số mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với yêu cầu về phát triển toàn diện theo xu hướng hiện đại. Nhiều phong tục tập quán đã bị mai một, nhưng với sự quyết tâm của các cấp, ngành và chính quyền các địa phương cũng như đồng bào các dân tộc, những nét đẹp văn hóa dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy. Việc khai thác những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc gắn với phát huy nét đẹp trong dân ca, dân vũ, dân nhạc, các lễ hội, nghề truyền thống, ẩm thực, phong tục tập quán… dần hình thành những sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, hấp dẫn. Cùng với việc duy trì, đổi mới nội dung, hình thức và từng bước nâng tầm tổ chức Lễ hội Hoa Ban trở thành sự kiện văn hóa, du lịch đặc biệt, riêng của tỉnh Điện Biên; Lễ hội Đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền đuôi én gắn với giải thi đấu thể thao, thể thao mạo hiểm; các lễ hội, sự kiện văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc... đó là cơ sở để thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh Điện Biên.

Mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa; thế nhưng để phù hợp với thời kỳ đổi mới và hội nhập với các địa phương trong nước cũng như quốc tế, Điện Biên đã và đang nỗ lực giới thiệu, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc. Và thời gian tới, để phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch đó rất cần có sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân. Có như vậy, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc mới có cơ hội để vươn lên, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như đẩy mạnh thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Phạm Quang

Back To Top