Video

Nhà văn hóa dôi dư - bài toán cần sớm có lời giải

Thứ Sáu, 15/09/2023 09:43 Lượt xem: 9878 In bài viết

ĐBP - Tình trạng nơi thừa, nơi thiếu nhà văn hóa sau khi thực hiện sáp nhập các thôn, bản là thực trạng chung ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Điện Biên, làm sao để quản lý, khai thác hiệu quả các nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư đang là bài toán chưa có lời giải.

Được đầu tư xây mới từ năm 2017 với kinh hơn 200 triệu đồng, sau 2 năm đưa vào sử dụng, nhà văn hóa này đã “cửa đóng then cài” khoảng 3 năm nay. Được biết, đây là nhà văn hóa bản Mới, xã Thanh An. Từ cuối năm 2019, sau khi bản Mới được sáp nhập với bản Xôm, mọi hoạt động cộng đồng đều chuyển sang nhà văn hóa khác thì công trình này đã bị bỏ hoang, không sử dụng đến. Chứng kiến cảnh cỏ dại mọc um tùm, có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp, nhiều người dân không khỏi xót xa, bởi đây là công trình được đầu tư với nguồn kinh phí có cả đóng góp của người dân.

Thôn C9, xã Thanh Xương hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 thôn: C9A, C9B và C9C. Sau sáp nhập, thôn C9 có hai nhà văn hóa dôi dư. Việc dư thừa nhà văn hóa ở thôn C9 là rất rõ, nhưng cái “thiếu” ở đây là một nhà văn hóa đạt chuẩn. Cả thôn hiện có 164 hộ dân, trong khi đó nhà văn hóa thôn C9 đang sử dụng chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của 1/3 người dân trong thôn. Để người dân không phải chen chúc, căn cứ vào mỗi buổi họp, thôn C9 sẽ linh hoạt chia các hộ dân thành 3 tổ, 1 tổ họp tại nhà văn hóa của thôn, 2 tổ còn lại tận dụng 2 nhà văn hóa dôi dư để tổ chức họp. Tuy nhiên, do tần suất sử dụng ít, thiếu trang thiết bị nên việc khai thác, sử dụng các nhà văn hóa dôi dư này cũng gặp không ít khó khăn, bất cập.

Sau khi sáp nhập các thôn, bản trên địa bàn, theo thống kê, huyện Điện Biên hiện dôi dư 6 công trình nhà văn hóa, trong đó xã Thanh Xương có 3 công trình, xã Thanh An 1 công trình và xã Thanh Luông 2 công trình. Trong khi chờ có cơ chế, chính sách của tỉnh và huyện về giải quyết những nhà văn hóa dôi dư và cả những nhà văn hóa mới không đảm bảo sau sáp nhập, thì các nhà văn hóa dôi dư này tạm thời vẫn được giao cho các thôn, bản quản lý. Tuy nhiên, do bị bỏ không lâu ngày hoặc tần suất sử dụng ít nên hầu hết các nhà văn hóa trên đều xuống cấp.

Để sớm giải bài toán làm sao quản lý, khai thác hiệu quả các nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập, phòng Văn hóa và Thông tin huyện Điện Biên đã và đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã căn cứ vào tình hình thực tế của từng nhà văn hóa nghiên cứu, đề xuất các phương án hợp lý để sử dụng có hiệu quả các nhà văn hóa dôi dư này. Nhiều phương án đã được đưa ra, như chuyển mục đích sử dụng các nhà văn hóa sang làm điểm vui chơi của trẻ em; sân thể thao phổ phông… Ngoài ra còn có đề xuất là thanh lý các công trình dôi dư này, song trên thực tế đây là tài sản vừa có tiền của nhà nước, vừa có tiền của nhân dân đóng góp nên phương án thanh cũng lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Huyện Điện Biên hiện có 275 thôn, bản, trong đó chỉ có 149 thôn, bản là có nhà văn hóa. Trước thực trạng nhà văn hóa thôn, bản nơi thiếu, nơi bỏ không, nơi không đáp ứng đủ quy mô, diện tích… thì phương án xử lý các nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập sao cho phù hợp, hạn chế thấp nhất sự lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân là bài toán cần các cấp, các ngành quan tâm, sớm có lời giải, đảm bảo tài sản được sử dụng, hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.

Thu Hằng

Back To Top