Video

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa”

Thứ Ba, 19/09/2023 14:53 Lượt xem: 8932 In bài viết

ĐBP - Sau mỗi vụ cháy lớn là những hậu quả đau lòng: người chết, tiền mất, tài sản thành tro... Không ai muốn nghe từ “hỏa hoạn”, nhưng những thông tin đau lòng có nguyên nhân từ cháy vẫn cứ đến. “Phòng cháy hơn chữa cháy”, do đó ngay từ ban đầu, hãy làm tốt công tác phòng ngừa thì chắc chắn sẽ không xảy ra hỏa hoạn hoặc nếu có, cũng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra.

Mô hình “chung cư mini” đang khá phổ biến tại TP. Điện Biên Phủ, tập trung chủ yếu ở các khu đông đúc dân cư như phường: Mường Thanh, Tân Thanh, Him Lam… Vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội mới đây khiến 56 người thiệt mạng tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc về công tác phòng cháy, chữa cháy ở những kiểu nhà này.

Tòa nhà cao 7 tầng với 18 căn hộ cho thuê của gia đình chị Hoàng Thị Yên, tổ 7, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ ngay từ khi xây dựng đã được tính toán thiết kế các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, báo cháy theo đúng quy định. Để đảm bảo an toàn hơn, ngoài lối thoát hiểm là cầu thang bộ trong tòa nhà, gia đình chị còn thiết kế thêm 2 hệ thống cầu thang thoát hiểm lắp đặt ở phía trước và sau tòa nhà để người thuê có thể dễ dàng thoát hiểm nếu chẳng may xảy ra sự cố.

Tại “chung cư mini Huy Hoàng”, thành phố Điện Biên Phủ hiện có khoảng 20 hộ gia đình với tổng số 45 người đang sinh sống. Dù được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy và lối thoát hiểm bằng cầu thang bộ trong tòa nhà, song chung cư mini này vẫn còn thiếu một lối thoát hiểm bên ngoài. Theo chủ căn chung cư, gia đình đang gấp rút thuê thiết kế để có thể lắp đặt hệ thống thoát hiểm bên ngoài nhanh nhất có thể.

Bài học sau mỗi vụ cháy, nổ đã chỉ ra rằng, trách nhiệm phòng chống cháy nổ không phải của riêng ai mà của toàn xã hội. Dù cố gắng nỗ lực đến đâu thì những việc làm của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cũng không thể ngăn hỏa hoạn xảy ra mà chỉ hạn chế được phần nào thiệt hại, bởi lẽ nước xa sao có thể cứu được lửa gần. Vụ hỏa hoạn vào rạng sáng ngày 15/9 tại Cửa hàng quà Tây Bắc, thành phố Điện Biên Phủ mới đây là một điển hình. Ngay khi vụ cháy xảy ra, 80 cán bộ, chiến sĩ lực lượng chữa cháy được huy động, vụ cháy dù đã được khống chế, không gây thiệt hại về người, tuy nhiên toàn bộ hàng hoá, thiết bị trong cửa hàng đều bị thiêu rụi chỉ còn trơ lại phần khung sắt và tro bụi, ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.

Với phương châm “4 tại chỗ”, lấy công tác phòng ngừa là chính, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) còn duy trì, phát huy hoạt động hiệu quả các mô hình về PCCC tại các khu dân cư, như: “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”; “Tiếng kẻng an toàn phòng cháy, chữa cháy”; “Điểm chữa cháy công cộng”… để chủ động xử lý tại chỗ các tình huống.

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ cứu đã chủ động phát động, thực hiện sáng kiến thành lập các điểm chữa cháy công cộng tại nhà ở của 58 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Để thuận tiện sử dụng, các hộp kỹ thuật chữa cháy được đặt phía ngoài nhà của các cán bộ chiến sĩ với màu sơn nổi bật giúp nhân dân trong khu dân cư dễ nhận biết, dễ sử dụng khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Các điểm chữa cháy công cộng này sẽ là địa chỉ tin cậy trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư; phát huy nhanh chóng và tốt nhất hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.

Nguy cơ cháy nổ vẫn đang hiện hữu từng ngày, từng giờ ở mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp về góc độ quản lý Nhà nước và những nỗ lực của lực lượng chức năng, cuộc chiến với “giặc lửa” chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người dân tự nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động và tự trang bị kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho bản thân. Đừng để “mất bò rồi mới lo làm chuồng”.

Thu Hằng

Back To Top