Video

Những người làm báo nơi cực Tây Tổ quốc

Thứ Tư, 19/06/2024 09:47 Lượt xem: 13951 In bài viết

ĐBP - Làm báo ở vùng cao thật nhọc nhằn và đầy gian khó, nhưng với mong muốn trở thành “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc vùng cao, mỗi người làm báo Điện Biên đã không ngừng nỗ lực trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Cùng với lòng yêu nghề, mỗi nhà báo, phóng viên luôn cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện ngày càng tốt hơn nữa trọng trách, vai trò của mình; từ đó xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh đã giao phó.

Hơn chục năm gắn bó với nghề báo, phóng viên Sầm Hồng Phúc, Phòng Văn xã – Xây dựng Đảng (Báo Điện Biên Phủ) luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi được gắn bó với nghề. Vẫn biết, phóng viên vùng cao là phải trải qua khó khăn, vất vả, song để có tác phẩm chất lượng, phóng viên Sầm Hồng Phúc luôn gần dân, sát dân nhằm phản ánh chân thực cuộc sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Quá trình đi tác nghiệp vùng cao, việc đi bộ, leo đồi núi để đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa không còn quá xa lạ. Vì vậy, cũng như các đồng nghiệp khác, phóng viên Sầm Hồng Phúc không coi đó là thách thức, mà trở thành động lực thôi thúc, động viên bản thân không ngại sâu sát cơ sở, trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm, lấy thực tế làm cảm xúc tạo ra các tác phẩm chất lượng.

Phóng viên vùng cao gắn liền với những chuyến công tác về cơ sở, và mỗi chuyến đi ấy luôn phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy. Đường xa, khó đi, quá trình tác nghiệp tại cơ sở không phải khi nào cũng thuận lợi, khi thì mưa lũ, khi lại sạt lở đất… chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng bản thân. Thế nhưng những người làm báo nơi mảnh đất Điện Biên dù tuổi đời còn rất trẻ vẫn luôn yêu nghề, gắn bó với nghề, sẵn sàng dấn thân nơi mưa lũ, sạt lở, kịp thời phản ánh, truyền tải thông tin hình ảnh đến với độc giả.

Với tâm niệm không chỉ truyền tải các thông tin, sự kiện nhanh chóng đến với đồng bào vùng cao, mà còn góp phần lưu giữ nét đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc, những người làm báo Điện Biên luôn nỗ lực vượt qua khó khăn đến tận các bản làng vùng sâu, vùng xa biên giới. Muốn lấy được thông tin, hình ảnh đẹp tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí, các phóng viên, biên tập viên không ít lần trèo đèo, lội suối để đến những xóm bản xa nhất, khó khăn nhất nơi biên giới Tây Bắc của Tổ quốc. Bằng tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, họ đã và sẽ tiếp tục đi để viết cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về thông tin.

Là tỉnh có địa bàn rộng với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở, đi lại khó khăn. Do đó, phương tiện di chuyển của phóng viên khi xuống cơ sở tác nghiệp chủ yếu là xe máy. Nhiều tuyến đường vào xã, bản, mùa mưa đi lại rất vất vả, thậm chí tắc đường do sạt lở đất, đá, nhiều khi các phóng viên phải đi bộ cả quãng đường dài. Không chỉ gian nan trong hành trình tiếp cận cơ sở, mà phóng viên vùng cao còn phải am hiểu về phong tục, tập quán hay kỹ năng hòa nhập với đồng bào dân tộc thiểu số. Muốn khai thác được những chất liệu sống động, chân thực, những người làm báo nơi cực Tây Tổ quốc phải chịu khó học hỏi, tìm tòi về văn hóa vùng miền, các dân tộc; có như vậy mới đem lại hiệu quả truyền tải đến công chúng. Việc các nhà báo vùng cao không ngại khó, ngại khổ “lăn lộn” ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã được khẳng định thông qua các tác phẩm báo chí có chất lượng, mang hơi thở của cuộc sống.

Những phóng viên, nhà báo vùng cao luôn phải đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Dù vất vả, khó khăn, song những người làm báo Điện Biên vẫn không ngừng nỗ lực vượt qua; tiếp tục là “cầu nối” tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự phát triển cũng như các hoạt động của địa phương đến với mọi người dân. Để làm được điều đó, thời gian tới, mỗi người làm báo Điện Biên sẽ tiếp tục học tập và rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức, đổi mới cách thức làm việc để truyền tải thông tin đến khán giả một cách nhanh nhất, trung thực nhất; xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, phản ánh mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội nơi cực Tây Tổ quốc.

Phạm Quang

Back To Top