ĐBP - Nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua, các cơ sở đào tạo nghề và đơn vị giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương trong tỉnh đã tích cực đổi mới chương trình đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Nhờ vậy, trình độ và tay nghề của người lao động ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường lao động; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Sau khi tốt nghiệp THPT, em Lò Văn Thắng, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) đã lựa chọn học nghề điện – điện tử tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Tham gia học tại trường, em Thắng được đào tạo theo thiết kế chương trình có 30% thời gian học lý thuyết và 70% thời gian thực hành. Việc tập trung vào đào tạo thực hành giúp cho Thắng cũng như các sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại; qua đó vừa phát huy được năng lực, sự chủ động và hứng thú với môn học, vừa tích lũy được kinh nghiệm làm việc thực tế qua từng giờ học.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên có 6 khoa chuyên môn gồm: Điện - điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, kinh tế - xây dựng, lâm - nông nghiệp và khoa học cơ bản. Năm học này, nhà trường có gần 280 sinh viên theo học nghề hệ cao đẳng và hơn 760 sinh viên theo học hệ trung cấp.
Những năm qua, nhà trường đã thực hiện tốt công tác giáo dục kết hợp đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Để chương trình đào tạo nghề phù hợp và giúp sinh viên tiếp thu kiến thức tốt nhất, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất giảng dạy, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đào tạo lý thuyết gắn với thực tế; trong đó tập trung vào phần thực hành và luyện tay nghề nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, phục vụ quá trình làm việc sau khi ra trường.
Đây là những bịch nấm sò do chính tay các học viên Lớp trồng và bảo quản nấm tại bản Co Luống, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) thực hiện. Sau những giờ học lý thuyết thì những bịch nấm này là thành quả từ quá trình thực hành của các học viên trong lớp. Lần đầu tiên được tiếp cận với kỹ thuật trồng nấm, chị Lò Thị Hươi (bản Co Luống) khá bỡ ngỡ. Thế nhưng, với sự hướng dẫn tỉ mỉ của giáo viên và sau nhiều lần tự tay thực hiện các thao tác trong quy trình trồng nấm, đến nay, chị Hươi đã nắm vững các quy trình trồng nấm cũng như thực hành thuần thục các công đoạn xử lý làm rơm, đóng bịch trồng nấm…
Nắm bắt nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã mở các lớp đào tạo nghề cho người dân lúc nông nhàn, bổ sung các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trung tâm đã phối hợp với Phòng Lao động, thương binh và xã hội các địa phương khảo sát nhu cầu của người dân; sau đó triển khai đào tạo các ngành nghề trọng điểm, cơ cấu ngành đa dạng, phù hợp với thực tiễn.
Trong quá trình dạy nghề cho bà con, Trung tâm đã phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp và phân công các giảng viên có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn các quy trình kỹ thuật cho học viên. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Sau khi được học nghề, người dân có thể tự tạo ra việc làm mới hoặc áp dụng ngay vào thực tế sản xuất của gia đình hay xin vào làm việc có thu nhập ổn định tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.
Thời gian qua, các trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trong đó chú trọng chuyển từ học lý thuyết trên lớp sang các hình thức học thực hành đa dạng, linh hoạt. Cùng với đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp tạo cơ hội thực hành, nâng cao tay nghề cho người học. Các giải pháp đó đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao; đáp ứng nhu cầu công việc cũng như phù hợp với xu thế của thị trường lao động.
Phạm Quang