Video

Cây giang lấy lá bén rễ đất Điện Biên

Thứ Tư, 23/10/2024 14:55 Lượt xem: 8867 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, cải tạo vườn tạp, thời gian qua, một số đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đã liên kết với người dân trồng thử nghiệm cây giang lấy lá. Dù mới bén rễ trên mảnh đất Điện Biên, song giống cây mới này đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau nhiều lần tham quan, nghiên cứu các mô hình trồng cây giang lấy lá ở tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Tuấn Đích, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và Dịch vụ Tuấn Đích đã ấp ủ ý định đưa giống cây giang lấy lá về trồng thử nghiệm tại tỉnh Điện Biên. Sau đó khi tuyên truyền, vận động và liên kết với một số hộ dân tại 2 bản: Phiêng Lơi (xã Thanh Minh) và bản Xôm (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ), tháng 5/2023, đơn vị đã bắt đầu xuống giống loại cây trồng mới này trên các khoảnh đất nương bỏ hoang, kém hiệu quả. Sau hơn 1 năm trồng, chăm sóc, đến nay, 100% diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch.

Cây giang là loại họ tre nên rất dễ trồng, mất ít công chăm sóc. Chỉ sau khoảng 1 năm trồng, cây đã cho thu hoạch lá, giá bán trung bình là 12.000 đồng/kg lá tươi. Với định mức kỹ thuật khoảng 600 cây/ha, năng suất ước đạt 2 tấn lá tươi/vụ trong lần thu hoạch đầu tiên, hứa hẹn cây giang sẽ cho thu nhập cao hơn so với các cây trồng nông nghiệp truyền thống như ngô, lúa nương…

Song song với việc cung cấp giống, phân bón và đầu ra cho sản phẩm, doanh nghiệp chủ trì liên kết luôn đồng hành, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu xuống giống đến thu hoạch. Thời điểm này, người dân 2 bản Phiêng Lơi, Xôm đang thu hoạch lá giang vụ đầu tiên. Do đây là cây trồng mới, doanh nghiệp chủ trì liên kết đã thuê người dân có kinh nghiệm trồng giang lấy lá tại tỉnh Hà Giang đến Điện Biên hướng dẫn người dân cách thu hoạch lá giang để vừa đảm bảo lá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vừa bảo vệ cây sinh trưởng phát triển tốt.

Hiện nay, lá giang là nguyên liệu được các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… ưa chuộng để chế tác hàng thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh việc xuất khẩu lá, cành, lá nhỏ có thể dùng làm thức ăn cho gia súc. Với hiệu quả kinh tế mà cây giang mang lại, từ cây trồng tự nhiên trên rừng, nay giống cây này đã được người dân ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đưa về trồng tại vườn để tiện cho việc chăm sóc, thu hái. Dù mới được trồng thử nghiệm ở Điện Biên, nhưng hi vọng rằng, cây giang có thể phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiện trên địa bàn tỉnh; qua đó vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Quang Hưng - Phạm Trung

Back To Top