Bài dự thi Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022

Chắp cánh ước mơ đến trường cho trẻ em biên giới

18:52 - Thứ Bảy, 03/09/2022 Lượt xem: 7646 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Điện Biên đã quan tâm động viên, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, không nơi nương tựa cả trong nội biên cũng như phía ngoại biên được đến trường học tập, rèn luyện. Việc giúp đỡ các em học sinh khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập như chắp thêm “đôi cánh” để học sinh nghèo nơi miền biên viễn có thêm động lực, vượt khó vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và trở thành người công dân có ích cho xã hội trong tương lai.

“Người cha" mang quân hàm xanh, Đồn Biên phòng Pa Thơm hướng dẫn con nuôi làm bài tập.

Bài 1: Đồng hành cùng sự nghiệp “trồng người"

Điện Biên là tỉnh có đường biên giới dài, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục và đào tạo. Các điểm bản vùng biên giới thiếu thốn về cơ sở vật chất, dân cư phân bố không đồng đều, trường xa nhà gây khó khăn cho việc huy động học sinh ra lớp, đi học chuyên cần. Để nâng cao chất lượng giáo dục miền biên viễn, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn đồng hành giúp nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường học tập, góp phần ươm những mầm xanh cho sự nghiệp trồng người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ một chủ trương đúng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 29 xã biên giới với 3.168 lớp học, 38.623 học sinh thuộc các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên và Mường Chà. Trong đó có 798 lớp, 412 học sinh cấp THCS; 1.292 lớp, 15.675 học sinh cấp tiểu học và 1.978 lớp, 11.535 học sinh mầm non. Địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của đa số đồng bào các dân tộc còn nhiều thiếu thốn và lạc hậu; vậy nên việc tạo điều kiện cho con em học tập chưa được quan tâm đúng mức. Không ít trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì nghèo đói, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phải bỏ ước mơ đến trường ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương, chăm sóc các em.

Thầy giáo Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ bày tỏ: “Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến ăn còn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nên nhiều hộ không có điều kiện để cho con em mình tới trường học con chữ. Vì vậy, nhiều cháu đang trong độ tuổi đi học đành phải bỏ giữa chừng. Thấu hiểu khó khăn của con em đồng bào vùng biên, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, nhà trường tại các địa bàn biên giới để hỗ trợ và nhận con nuôi, giúp các cháu có thêm cơ hội đến trường thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chung tay cùng với ngành Giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn vùng biên”.

Để chung tay hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập, từ năm 2016 đến nay, hưởng ứng Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP triển khai, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh BĐBP; đồng thời ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương và đạt hiệu quả thiết thực, được các cấp, các ngành, địa phương đánh giá cao.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang động viên 2 cháu là con nuôi của đơn vị vượt qua khó khăn, cố gắng vươn lên trong học tập.

Ông Quàng Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên chia sẻ: Từ chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Năm học 2022 - 2023, trên địa bàn xã có 2 cháu là con nuôi đồn biên phòng và 3 cháu được Đồn Biên phòng Pa Thơm, thủ trưởng BĐBP tỉnh đỡ đầu, hỗ trợ học tập với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng/em cho đến khi học hết lớp 12. Đó là nguồn kinh phí không nhỏ góp phần tiếp thêm động lực cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được đến trường, góp phần vun đắp tình đoàn kết quân dân ngày càng khăng khít hơn.

Sau 5 năm triển khai, BĐBP tỉnh Điện Biên đã đỡ đầu 79 học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” (trong đó 72 em là học sinh Việt Nam; 7 em học sinh nước bạn Lào), với mức hỗ trợ tối thiểu 500.000 đồng/tháng/em. Với mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, các đồn biên phòng hiện đang nhận 26 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn về nuôi tại đơn vị. Ở đây, các cháu được bố trí góc học tập riêng, đồng thời đơn vị cử cán bộ thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ các cháu trong học tập, sinh hoạt; giúp các cháu hoàn thiện hơn về nhân cách và kỹ năng sống…

Lan tỏa việc làm ý nghĩa

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ để tạo sự lan tỏa sâu rộng của chương trình. Giai đoạn 2016 - 2018, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Thắng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị BĐBP (Bộ Tư lệnh BĐBP) nhận đỡ đầu 2 em gửi tại Đồn Biên phòng Mường Nhé và kinh phí hỗ trợ được chuyển trực tiếp cho đồn quản lý, trao cho các em hàng tháng. 6 đồng chí lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đỡ đầu 12 em (mỗi đồng chí nhận đỡ đầu 2 em). Các tập thể gồm: 6 phòng, văn phòng, Ban Tài chính, 17 đồn biên phòng và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động thuộc BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 50 học sinh. Số tiền hỗ trợ các em được cán bộ, chiến sĩ trong BĐBP tỉnh đóng góp; riêng Đồn Biên phòng Thanh Luông ngoài chỉ tiêu được giao còn huy động kinh phí từ doanh nghiệp để đỡ đầu thêm 4 em, tiếp sức cho các em đến trường.

Giai đoạn 2016 - 2021, các đơn vị tham gia Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã duy trì và đảm bảo mức hỗ trợ thường xuyên tối thiểu mỗi em là 500.000 đồng/tháng bằng tiền mặt theo quy định. Trong đó, các tập thể, cá nhân trong BĐBP tỉnh đã ủng hộ gần 2,2 tỷ đồng và vận động doanh nghiệp địa phương ủng hộ gần 200 triệu đồng. Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, các cơ quan, đơn vị còn trích quỹ vốn, vận động các tổ chức, cá nhân giàu lòng hảo tâm ủng hộ thêm 19 chiếc xe đạp, 280 phần quà bao gồm cặp sách, bút, vở viết, quần áo mới,... để giúp đỡ, hỗ trợ các em; đồng thời giúp gia đình các cháu trong lao động sản xuất gần 1.200 ngày công, với sự tham gia của gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP thường xuyên động viên, thăm hỏi gia đình và các cháu học sinh được đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Trong ảnh: Chỉ huy Đồn Biên phòng Pa Thơm gặp gỡ, trao đổi về tình hình học tập của các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Pa Thơm.

Với mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, hiện nay các đồn biên phòng nhận nuôi 26 cháu. Tính từ tháng 9/2019 đến nay, thủ trưởng Bộ Chỉ huy và các đơn vị không trực tiếp nuôi các cháu (14 đơn vị) đã nộp về Ban Tài chính và tiến hành phân bổ cho các đơn vị trực tiếp nhận nuôi mua sắm dụng cụ, vật chất phục vụ đời sống, sinh hoạt học tập của các cháu, với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, nhà từ thiện hỗ trợ thêm cho các cháu về trang thiết bị, phương tiện, đảm bảo cho các cháu có điều kiện tốt nhất trong học tập, sinh hoạt cùng với kịp thời động viên, khen thưởng nhằm khuyến khích các cháu vượt khó học tập. Việc làm ý nghĩa, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã lan tỏa rộng rãi trong xã hội, góp phần tạo ra những tín hiệu tích cực với sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Điều kiện khu vực biên giới tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, qua đó đã giúp đỡ nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường học tập và rèn luyện. Đây cũng là tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, cũng như sự nghiệp giáo dục tỉnh Điện Biên. Qua thực hiện chương trình, đã góp phần giúp BĐBP tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống dân sinh, tạo sức mạnh tổng hợp trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận biên phòng gắn với xây dựng biên giới lòng dân ở khu vực biên giới vững mạnh.

Sự nghiệp “trồng người” ở một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn như Điện Biên rất cần có sự chung tay, đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như toàn hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh thực sự đã trở thành nguồn động viên, khích lệ rất lớn giúp các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới vươn lên trong học tập, hướng đến một tương lai tươi sáng.

Bài 2: Ấm áp tình “cha con”

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top