Bài dự thi Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022

Chắp cánh ước mơ đến trường cho trẻ em biên giới (bài 2)

08:34 - Chủ Nhật, 04/09/2022 Lượt xem: 5486 In bài viết

Bài 2: Ấm áp tình “cha con”

ĐBP - Nhằm giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi, con liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách ở địa bàn biên giới được tiếp tục đến trường, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã và đang thực hiện tốt mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Bằng tình cảm chân thành, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã trở thành những người cha trực tiếp chăm sóc, quan tâm và động viên các em, qua đó gắn kết nghĩa tình như những người thân thực sự trong một gia đình.

Bài 1: Đồng hành cùng sự nghiệp “trồng người"

Những đứa con nuôi Đồn Biên phòng được quan tâm, chăm sóc chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến học tập.

Những “người cha” quân hàm xanh…

Những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023, chúng tôi có dịp đến làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang. Vừa bước chân vào khuôn viên đơn vị, chúng tôi nghe văng vẳng tiếng trẻ chào: “Con chào bố!”. Tại đồn biên phòng, ban đầu nghe tiếng gọi bố, chúng tôi thầm nghĩ chắc con em của đồng chí nào trong đơn vị đến thăm dịp nghỉ hè, nhưng không phải, mà đó là Hờ Văn Khải và Ly A Thương - 2 con nuôi của đơn vị.

Gặp Thượng tá Lò Văn Ván, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, Khải và Thương lại nhanh nhảu “chào bố”. Không để chúng tôi phải gặng hỏi, người bố mang quân hàm xanh lập tức tiếp lời: “Cả Khải và Thương đều ở bản Na Ư, xã Na Ư (huyện Điện Biên) và được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang nhận nuôi từ năm 2019. Dịp hè, anh em trong đơn vị đã đón 2 con ra đồn để anh em tiện kèm cặp, chăm sóc; còn trong năm học các con thường ở trường và ăn học theo chế độ bán trú. Lẽ ra, các con sẽ ăn ngủ tại đơn vị, rồi đến trường học chữ nhưng do điều kiện đặc thù, trường cách xa đồn, việc đưa đi, đón về sẽ khiến các con mệt mỏi không thể tập trung học tập. Vì vậy đơn vị đã phối hợp với nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất cho các cháu ở bán trú tại trường. Để nắm bắt tình hình học tập, kịp thời động viên, chăm lo cho 2 con, đơn vị đã phân công cán bộ biên phòng tăng cường xã và Đội trưởng Đội Vận động quần chúng thường xuyên động viên, thăm hỏi và khuyến khích 2 con vượt khó, học tập thật tốt...”.

Hoàn cảnh gia đình Khải và Thương đều rất khó khăn, trong đó bố mẹ Khải bỏ nhau nên em về ở cùng mẹ và ông bà ngoại. Còn gia đình Thương, cũng vì nhà đông con, mẹ lại bị bệnh hiểm nghèo nên anh em Thương chỉ trông chờ vào bố. Thấu hiểu hoàn cảnh của 2 con, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn ân cần chăm sóc, dạy học, rèn luyện kỹ năng sống và yêu thương như những người con, người em trong gia đình. Từ đó, các con đã yên tâm để nỗ lực học tập, rèn luyện.

Cán bộ Đồn Biên phòng Pa Thơm đưa 2 cháu là con nuôi của đơn vị đến trường.

Cũng như Khải và Thương, từ năm 2019 đến nay, Phùng A Vải và Tẩn Sinh Niền được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Hỳ nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại đơn vị theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”. Hoàn cảnh gia đình của cả Vải và Niền đều khó khăn. Bố Tẩn Sinh Niền mất sớm, mẹ đi bước nữa bỏ lại Niền sống với người bà già yếu. Còn với Vải, mẹ em đã bỏ 2 bố con đi khi mới sinh em được mấy tháng; do bố nghiện rượu nên việc chăm sóc, nuôi dạy em cũng chỉ “được chăng hay chớ”. Từ khi được nhận làm con nuôi đồn biên phòng và được các “cha nuôi” biên phòng Nà Hỳ chăm sóc chu đáo cũng như tạo điều kiện để đến trường nên các em rất phấn khởi. Em Phùng A Vải bày tỏ: “Ở đồn biên phòng, con được ăn uống đầy đủ, bữa nào cũng có thịt, cá, cơm canh ngon lắm! Các chú, các bố còn quan tâm nữa, dạy con học nên dễ hiểu hơn. Con thích ở đây, ở đây hay hơn ở nhà nhiều! Để không phụ lòng các chú, các bố ở đồn, con sẽ quyết tâm học thật tốt”.

…chăm lo các con nơi biên giới

Dù đã cách đây gần 6 năm nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cậu bé Hù Chà Ngọi (sinh năm 2009), bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) rụt rè, khép nép bên chị gái Hù Cố Ngài. Vậy mà nay, Ngọi đã khôn lớn và trưởng thành dưới sự chăm sóc của những người chú, người bố nuôi mang quân hàm xanh tại Đồn Biên phòng Leng Su Sìn. Em là người con đồng bào dân tộc Si La - một trong những dân tộc thiểu số rất ít người còn sinh sống duy nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ở bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, với 52 hộ, hơn 230 nhân khẩu.

Không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, tuổi thơ của Ngọi là chuỗi ngày dài với bao nỗi cô đơn và bất hạnh. Từ nhỏ đã thiếu bàn tay chăm sóc, chở che và đùm bọc của cha, nhưng càng đau đớn hơn khi mất đi người mẹ - chỗ dựa tinh thần lớn nhất trong cuộc đời khiến em phải sống trong cảnh lay lắt với cô đơn, buồn tủi. Từ ngày mẹ mất, Ngọi và chị gái được 2 bác cưu mang, nhưng 2 bác cũng đã già, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên việc đến trường càng lắm gian nan trắc trở. Nhưng thật may mắn khi em được Đồn Biên phòng Leng Su Sìn nhận làm “Con nuôi đồn biên phòng” và cũng từ đó đến nay, Ngọi không còn rụt rè, nhút nhát như trước.

Ngoài việc giúp đỡ, hướng dẫn, những đứa con nuôi trong học tập, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn dạy dỗ các em cả về những kỹ năng sống.

Từ khi được các chú bộ đội chăm sóc, dạy dỗ, 2 em không còn biểu hiện tự ti, mặc cảm mà hòa đồng với các bạn trong các hoạt động tập thể, chăm chỉ làm bài tập ở nhà, tích cực phát biểu xây dựng bài, kết quả học tập của các em tiến bộ rõ rệt. Thầy giáo Khoàng Lòng Tư, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé tâm sự: “Các thầy, cô trong nhà trường rất yên tâm khi các cháu luôn được các chú bộ đội quan tâm, không chỉ về ăn uống ngủ nghỉ mà còn cả việc học hành. Đơn cử như em Hù Chà Ngọi từ một học sinh nhút nhát, học lực tương đối yếu đã có nhiều tiến bộ. Năm học 2021 - 2022, em Ngọi đã phấn đấu học tập và đạt học lực khá, rèn luyện tốt. Xứng đáng với niềm tin tưởng, sự kỳ vọng của những người cha nuôi Đồn Biên phòng Leng Su Sìn cũng như thầy, cô giáo trong nhà trường”.    

Để đỡ đầu, nhận nuôi theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lựa chọn các cháu là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, các đồn biên phòng đã nhận đỡ đầu 74/79 cháu học sinh là người dân tộc thiểu số theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, trong đó 1 cháu là người dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Si La); nhận nuôi 26/26 cháu theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là dân tộc thiểu số, trong đó 3 cháu là dân tộc thiểu số rất ít người (2 dân tộc Cống, 1 dân tộc Si La). Quá trình thực hiện, các đơn vị biên phòng phối hợp chặt chẽ với gia đình, cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể địa phương để có hình thức động viên, khích lệ các cháu vươn lên trong học tập.

Sự quan tâm đặc biệt của những người bố nuôi BĐBP dành cho những đứa con nơi biên giới đã tiếp thêm động lực, niềm tin, giúp các con vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập. Với những “người cha” mang quân hàm xanh, mỗi em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tới trường không chỉ là niềm vui của mỗi gia đình, nhà trường mà còn là niềm vui của cả cán bộ, chiến sĩ và đơn vị trong lực lượng BĐBP đóng chân trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài 3: Nâng bước em đến trường

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top