Bài dự thi Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2022

Chắp cánh ước mơ đến trường cho trẻ em biên giới (bài 3)

18:44 - Chủ Nhật, 04/09/2022 Lượt xem: 5957 In bài viết

Bài 3: Nâng bước em đến trường

ĐBP - Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, mô hình thiết thực giúp đỡ và hỗ trợ nhân dân vùng biên. Không chỉ hướng đến những học sinh nghèo nội biên, những người lính quân hàm xanh tỉnh Điện Biên còn nhận đỡ đầu, nâng bước nhiều học sinh nghèo ở những bản làng biên giới của nước bạn Lào; qua đó tăng cường thêm tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào khu vực biên giới.

Bài 1: Đồng hành cùng sự nghiệp “trồng người"

Bài 2: Ấm áp tình “cha con”

BĐBP tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để “nâng bước” đến trường. Trong ảnh: Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trao quà cho các học sinh nghèo vượt khó.

Chắp cánh ước mơ cho trẻ em phía ngoại biên

Triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường”, Đồn Biên phòng Pa Thơm nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho em Nang Khăm, bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (CHDCND Lào). Có thời điểm, Nang Khăm bị khủng hoảng về tinh thần và có ý định bỏ học nhưng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm quan tâm, động viên mà tâm lý của em đã ổn định, tập trung hơn trong học tập và rèn luyện. Vượt lên những khó khăn, năm học này, Nang Khăm lên lớp 9.

Thượng tá Bùi Duy Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Thơm chia sẻ: Thời gian trước, cháu Nang Khăm đã nảy sinh tư tưởng không muốn đến trường. Tuy nhiên, khi đơn vị hỗ trợ và đỡ đầu cháu theo Chương trình “Nâng bước em đến trường” thì cháu đã có điều kiện để tiếp tục cắp sách tới trường, được giao lưu học hỏi với các bạn đồng trang lứa. Hiện nay, tâm lý của cháu đã ổn định và chịu khó học tập, mang lại thành tích kết quả khá tốt. Dù còn nhiều rào cản về bất đồng ngôn ngữ, giao thông đi lại khó khăn và dịch bệnh bùng phát… khiến cho cán bộ, chiến sĩ không thể trực tiếp sang thăm hỏi, động viên và chăm lo cho cháu, nhưng đơn vị đã phối hợp với các lực lượng nước bạn thường xuyên trao đổi, nắm bắt tình hình học tập và trao tiền hỗ trợ cho cháu theo đúng quy định.

Hiện nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đang đỡ đầu cho 3 cháu, trong đó 2 cháu nội biên và 1 cháu ngoại biên tên là Kía Sùng (sinh năm 2007), ở bản Pa Hốc, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (Lào). Tương tự như hoàn cảnh của Nang Khăm, gia đình Kía Sùng luôn sống trong cảnh “thiếu trước hụt sau”, việc học của em có lúc đã bị gián đoạn. Được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang nhận đỡ đầu, giúp đỡ em theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” thì gánh nặng chuyện học hành của em đối với gia đình cũng vơi bớt.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của BĐBP tỉnh, đã có nhiều hoạt động, mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, như: Nâng bước em đến trường, Hũ gạo chiến sĩ, Con nuôi đồn biên phòng… Đối với Chương trình “Nâng bước em đến trường”, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các lực lượng biên giới và chính quyền bản của nước bạn hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng biên giới phía ngoại biên được đến trường.

Từ năm 2016 đến nay, BĐBP tỉnh đã đỡ đầu 7 học sinh nước bạn Lào trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Hầu hết học sinh ở địa bàn biên giới thuộc nước bạn Lào đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa nên đã được cán bộ, chiến sĩ Phòng Trinh sát và một số đồn biên phòng tuyến biên giới Việt – Lào, như: Si Pha Phìn, Mường Mươn, Pa Thơm, Huổi Puốc và Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang hỗ trợ, nâng bước từ cấp tiểu học đến hết THPT.

Đồn Biên phòng Pa Thơm trao tiền học bổng hỗ trợ cho học sinh đơn vị đỡ đầu phía ngoại biên, thuộc bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, Lào.

Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Đối với việc đỡ đầu các cháu học sinh nước bạn Lào, BĐBP tỉnh đã phối hợp tốt với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương, nhà trường phía bạn Lào rà soát, lựa chọn các em từ lớp 1 đến lớp 12, đang sinh sống và học tập ở địa bàn biên giới, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, có ý thức vươn lên trong học tập để nhận đỡ đầu. Thông qua các hoạt động đối ngoại biên phòng, BĐBP tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình và nắm kết quả học tập của các cháu. Hằng tháng, thông qua lực lượng bảo vệ biên giới của Lào để trao tiền hỗ trợ (500.000 đồng/tháng/cháu). Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, BĐBP tỉnh đã thống nhất, gặp gỡ lực lượng bảo vệ biên giới phía bạn để chuyển tiền hỗ trợ cho các em đảm bảo đúng thời gian.

Tiếp sức đường dài

Không chỉ quan tâm đến việc học tập trước mắt của các em, trong quá trình triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” và Chương trình “Nâng bước em đến trường”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn suy nghĩ sâu xa, lo lắng cho các em trong cả chặng đường tương lai sắp tới.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, chúng tôi đến thăm nhà cháu Hờ Văn Khải (con nuôi của đồn). Ngôi nhà đơn sơ nằm lưng chừng đồi. Khi thấy chúng tôi đến, chị Vàng Thị Tỉnh (mẹ của cháu Khải) vừa chạy ra chào đón, vừa phấn khởi nói: “Hôm nay, cán bộ BĐBP đến chơi, thật vui quá! Nhà có 3 mẹ con, cháu Khải thì được các chú bộ đội nhận làm con nuôi rồi, còn mình ở nhà chăm sóc cho cháu nhỏ thôi! Ruộng nương thì ít nhưng từ ngày BĐBP mua cho con trâu, mình dắt trâu đi chăn trên đồi suốt, vì đó là món quà và tài sản lớn, có ý nghĩa quan trọng do BĐBP tặng mà! Mình sẽ chăm tốt để cho nó đẻ con, từ đó phát triển kinh tế mang lại thu nhập còn lo cho các con học hành về sau này nữa chứ!”.   

Lời tâm sự của chị Tỉnh cũng là mong muốn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang. Bởi lẽ để có số tiền mua trâu, bò cho gia đình 2 cháu Khải và Thương (con nuôi của đơn vị), từ năm 2019 đến năm 2022, những người lính quân hàm xanh đã tiết kiệm cho các cháu. Vừa qua, số tiền cũng được kha khá, đơn vị đã thống nhất rút số tiền đó để mua 1 con trâu trao tặng cho gia đình Khải và 1 con bò cho gia đình Thương.

Chị Vàng Thị Tỉnh (mẹ cháu Hờ A Khải) cảm động trước sự quan tâm, chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang với cháu Khải.

“Anh em trong đơn vị cũng xác định trao tặng trâu và bò cho gia đình 2 con nuôi là để vừa có thể phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập và cũng như một món tiết kiệm để tương lai các cháu sẽ có khoản kinh phí phục vụ việc học tập, giúp vơi gánh nặng học hành cho gia đình” - Thượng tá Lò Văn Ván, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang cho biết.

Còn với bà Quàng Thị Sương, bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), cả 3 đứa cháu ngoại: Lò Kim Xuyến (9 tuổi), Lò Thanh Trúc (11 tuổi) và Lò Nguyệt Ánh (18 tuổi) đều được BĐBP đỡ đầu là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. Giờ đây, Nguyệt Ánh đã học xong và tốt nghiệp THPT thì bà Sương và gia đình lại lo lắng về kinh phí học các trường chuyên nghiệp. Vì lẽ đó nên khi Đồn Biên phòng Pa Thơm đỡ đầu cho 2 cháu: Kim Xuyến và Thanh Trúc, bà Sương đã vơi bớt nỗi lo. Bà Sương bày tỏ: “Hoàn cảnh gia đình các cháu rất khó khăn, nay được sự quan tâm của BĐBP thì gia đình biết ơn nhiều lắm! Các cháu được các bác, các chú động viên cả về tinh thần và vật chất để yên tâm đến trường học con chữ thì còn gì quý hơn. Gia đình các cháu rất cảm động trước tình cảm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và mong BĐBP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các cháu được đến trường”. 

Thượng tá Bùi Duy Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Thơm chia sẻ: Để vơi bớt những khó khăn đối với gia đình các cháu khi theo học các trường cao đẳng, đại học, bắt đầu từ năm học này, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình lập cho mỗi cháu mà đơn vị đỡ đầu một cuốn sổ tiết kiệm. Bởi hoàn cảnh gia đình các cháu khó khăn như vậy, việc học cao hơn sẽ gặp nhiều rào cản nên anh em luôn sẵn sàng đóng góp, hỗ trợ cho các cháu để từ nay cho đến khi có cháu chuẩn bị học cao đẳng, đại học sẽ có kinh phí ít nhiều phục vụ cho việc học tập.  

Sự quan tâm của những người lính quân hàm xanh không chỉ là việc học hành trước mắt mà còn góp phần tiếp sức cho các em trên chặng đường dài học tập, lập nghiệp. Và các anh - những cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã trở thành “điểm tựa” vững chắc, chắp cánh, nâng bước, tiếp thêm động lực để nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cả nội biên cũng như ngoại biên được tiếp tục tới trường.

Bài 4: Những “trái ngọt” nơi biên viễn

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top