Nhiều thách thức trong giảm nghèo theo chuẩn mới

08:28 - Thứ Hai, 28/02/2022 Lượt xem: 4268 In bài viết

ĐBP - Giai đoạn 2021 - 2025, cả nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Chuẩn nghèo mới với những tiêu chí, quy định ở cấp độ, mức độ cao hơn so với chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Hộ nghèo sẽ được tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản song việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới đã đặt ra không ít thách thức cho các địa phương trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Kè, huyện Mường Nhé giúp người dân bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Dễ tái nghèo

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng (chuẩn cũ tương ứng là 700 nghìn đồng và 900 nghìn đồng/người/tháng). Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều lên 6 chiều, bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản tăng lên 12 chỉ số thay vì 10 chỉ số theo tiêu chuẩn cũ. Một điểm mới, rất khác biệt so với chuẩn nghèo giai đoạn trước là việc xác định một hộ nghèo, cận nghèo phải đáp ứng cả 2 tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản.

Chuẩn nghèo mới được cho là thách thức với nhiều địa phương, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng cao ở các vùng khó khăn; thậm chí nhiều hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh dù đã thoát nghèo những năm trước, nhưng khi áp vào các tiêu chí của giai đoạn mới lại có nguy cơ cao rơi về diện nghèo.

Gia đình ông Lý A Phổng, bản Huổi Ho, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) mới thoát nghèo năm 2021, thế nhưng năm nay với chuẩn nghèo mới gia đình ông lại có nguy cơ tái nghèo. Bởi qua rà soát, đối chiếu với các tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn mới, gia đình ông chưa đáp ứng được chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, như: Việc làm; dinh dưỡng; trình độ giáo dục của người lớn; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh... Tương tự, gia đình ông Lường Văn Thoan, bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) mặc dù có thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 triệu đồng/tháng nhưng lại thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: Thiếu đất sản xuất; gia đình có người không có việc làm hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động... Trong khi đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, nguồn thu nhập của gia đình ông. Vì vậy, nếu theo tiêu chí đa chiều mới, gia đình ông có nguy cơ tái nghèo.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Khi áp theo tiêu chí mới thì nhiều hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo dễ tái nghèo. Trong khi, đời sống người dân trên địa bàn xã chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, nhiều hộ chưa được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh chưa đạt, nhiều khu vực chưa có điện sẽ kéo theo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản không đảm bảo. Trẻ em phần lớn không đủ cân nặng, chiều cao không đủ chuẩn. Vì vậy, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của xã sẽ tăng cao so với trước đây.

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn và các địa phương, khi áp mức chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Qua kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 34,9% (năm 2020 theo chuẩn cũ là 29,97%), chủ yếu là các hộ nghèo về thu nhập. Trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực thành thị là 3,05%; khu vực nông thôn 35,92%; hộ nghèo dân tộc thiểu số 44,95%.

Nhiều thách thức

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XV đã thông qua mục tiêu giảm nghèo trong năm 2022 xuống còn 31,1% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025), giảm 4,28% so với năm 2021. Trong cả giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân hàng năm từ 4%, huyện nghèo giảm từ 5,5% trở lên; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đây là thử thách vô cùng lớn và sẽ cần nhiều giải pháp, nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra.

Thực tế cho thấy, tỉnh ta đa phần người dân còn khó khăn, chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, trong khi một số địa phương thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là giai đoạn người dân phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19 và những tác động từ biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, theo quy định phân loại huyện nghèo của Chính phủ, Điện Biên có 7 huyện nghèo. Qua rà soát, tỷ lệ hộ nghèo tại 7 huyện nghèo chiếm 50,65% và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 8,73%. Cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn thiếu; sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn phụ thuộc vào tự nhiên; việc chuyển đổi ngành nghề thay thế cho sản xuất nông nghiệp thuần nông còn hạn chế; trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật chưa cao... Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; nhiều công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa bàn nghèo có quy mô nhỏ nên hiệu quả sử dụng, tác động đến đời sống dân sinh, phục vụ sản xuất còn hạn chế.

Công tác giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và trình độ phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng, địa bàn. Việc thực hiện các tiêu chí theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP đòi hỏi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong khi đó áp dụng các yếu tố giảm nghèo đa chiều ở nhiều địa phương trong tỉnh còn thiếu và yếu. Cùng với việc giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chính sách đầu tư chưa đủ lực tác động mạnh, ý thức người dân vẫn còn hạn chế, hộ nghèo càng về sau càng khó tác động thì giảm nghèo giai đoạn tới sẽ khó gấp nhiều lần giai đoạn đã qua.

Việc xác định nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ tạo ra thêm nhiều thách thức mới cho công tác xóa đói giảm nghèo, nhưng đó cũng là những cơ hội để ngành chức năng nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác xóa đói giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Để giảm nghèo hiệu quả phải bám vào thực tế số hộ nghèo và nguyên nhân nghèo của từng hộ để tìm ra nguyên nhân. Đồng thời, cần rà soát lại các tiêu chí đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với giai đoạn mới. Quá trình thực hiện bảo đảm không trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top