Kinh tếNông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới Pa Thơm

08:45 - Thứ Tư, 16/02/2022 Lượt xem: 4443 In bài viết

ĐBP - Pa Thơm là một trong những xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Điện Biên; địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng lòng của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Pa Thơm đã đạt những kết quả tích cực.

Tuyến đường giao thông nội bản Púng Bon, xã Pa Thơm đã được bê tông hóa tới từng nhà.

Xã Pa Thơm có 282 hộ, 1.314 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Khơ Mú, Lào, Cống sinh sống tại 6 bản. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, Nhân dân xã Pa Thơm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Diện tích đất nông nghiệp ít; tập quán canh tác nông nghiệp của người dân còn lạc hậu, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ… Ông Trần Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: “Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; nhằm thay đổi nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và thu hút sự tham gia đóng góp công sức, tiền của của nhân dân. Xã xây dựng kế hoạch cho từng năm, từng giai đoạn cụ thể, với tinh thần “việc dễ làm trước, việc khó làm sau”; hàng tháng, cán bộ xã phụ trách bản phối hợp với trưởng bản cập nhật kế hoạch và các phần việc cụ thể để công khai cho người dân được biết”.

Đến nay, 6/6 bản đều có đường bê tông nội bản, điện thắp sáng (các bản Sa Cuông, Huổi Moi, Pa Thơm được đầu tư điện năng lượng mặt trời), nhà tạm, dột nát chỉ còn 20 nhà… Nhân dân tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo” gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó có nhiều gia đình hội viên thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng lợi thế và điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi (hiện tại đang xây dựng mô hình trồng cây ăn quả: cây bưởi, xoài Đài Loan, mít Thái tại bản Pa Xa Lào). Púng Bon là bản tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới; với 54 hộ, 251 nhân khẩu, 100% dân tộc Cống sinh sống. Thời gian qua, các hộ đã đóng góp hàng trăm ngày công, hiến hơn 200m2 đất để làm đường bê tông nội thôn; tích cực chăn nuôi, đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, bản chỉ còn 20 hộ nghèo, không còn nhà tạm, dột nát, cuộc sống người dân đầy đủ hơn, đường nội bản được bê tông hóa tới từng nhà.

Ông Trần Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm nhấn mạnh: Người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng. Nhiều hộ còn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng đường nội bản, nhà văn hoá; điển hình như các hộ: Ông Lò Văn Biện, bản Pa Thơm hiến 500m2; bà Lò Thị Giót, bản Pa Xa Lào hiến 30m2 đất xây dựng nhà văn hóa cộng đồng… Đến nay, xã đã đạt 17/19 tiêu chí. Còn lại 2 tiêu chí (số 10 thu nhập và 11 hộ nghèo) xã sẽ phấn đấu, thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi phương thức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, quan tâm đến đời sống tinh thần nhân dân.

Những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo diện mạo mới cho xã Pa Thơm. Cùng với sự thay đổi tích cực trong đời sống vật chất và tinh thần là lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền ngày một nâng cao; tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận
Back To Top