Ngày 10-1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhận định, các nền kinh tế mới nổi sẽ đối mặt với những thời điểm khó khăn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại do biến chủng Omicron. Bên cạnh đó, các nước mới nổi cũng đang phải đối mặt với lạm phát gia tăng và nguy cơ nợ công cao hơn đáng kể.
Cùng ngày, Ấn Độ đã bắt đầu triển khai mũi tăng cường vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm có nguy cơ cao, gồm nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi có bệnh nền, trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng. Phần lớn ca mắc mới được ghi nhận ở các thành phố lớn, nơi Omicron đã thay thế Delta trở thành biến chủng chủ đạo.
Ngày 10-1, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này phải vượt qua đợt bùng phát dịch đang diễn ra nhanh chóng do biến chủng Omicron, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt mốc 1 triệu ca. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và kiểm soát biên giới chặt chẽ đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn đầu của đại dịch tại Australia. Song, hiện nước này đang phải chật vật ứng phó với số ca nhiễm mới tăng mạnh trong giai đoạn chuyển sang sống chung an toàn với đại dịch. Số ca nhập viện tăng nhanh buộc các nhà chức trách phải khôi phục các biện pháp hạn chế ở một số bang, trong khi các doanh nghiệp đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên do người lao động nhiễm bệnh hoặc phải cách ly.
Chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc cho biết, số ca nhiễm biến chủng Omicron tính đến ngày 10-1 là 456 ca, tăng gấp đôi so với 183 ca của tuần trước. Biến chủng này chiếm 0,2% tổng số trường hợp mắc Covid-19 được xác nhận ở Seoul. Một quan chức phụ trách kiểm soát dịch bệnh của chính quyền thành phố cho biết, nhiều khả năng Omicron sẽ trở thành biến chủng phổ biến nhất trong các ca mắc Covid-19 ở Seoul vào cuối tháng này hoặc tháng 2-2022.
Tính đến 23h ngày 10-1, toàn thế giới có 308.232.812 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.507.719 trường hợp tử vong và 259.734.482 bệnh nhân đã hồi phục.