Trong một động thái bất ngờ, ngày 5-2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran nhằm tạo điều kiện cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế. Quyết định trên được cho là tín hiệu tích cực trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 đang bước vào giai đoạn cuối then chốt.
Việc miễn trừng phạt sẽ cho phép các công ty của Nga, Trung Quốc và châu Âu thực hiện các dự án hợp tác nhằm bảo đảm các cơ sở hạt nhân của Iran không được sử dụng cho việc phát triển vũ khí hạt nhân. Các công việc này bao gồm thiết kế lại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở Iran, công tác chuẩn bị và sửa đổi cơ sở Fordow cho việc sản xuất chất đồng vị, các hoạt động, đào tạo và dịch vụ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Busher và nhiều việc khác.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, động thái này không phải là bước "nhượng bộ" trước Iran mà vì lợi ích quốc gia Mỹ cũng như lợi ích của khu vực và thế giới. Theo nhận định của các quan chức cấp cao Mỹ, hiện chỉ còn rất ít thời gian vì Tehran đã đạt được những tiến bộ hạt nhân ngày càng khó đảo ngược. Theo đó, Iran đang tiến ngày càng gần đến giai đoạn có thể nhanh chóng sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho vũ khí hạt nhân theo đơn đặt hàng. Việc khôi phục quyết định miễn trừ trừng phạt sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Việc miễn trừng phạt nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán đạt thỏa thuận về tái cam kết đầy đủ của các bên với JCPOA và đặt nền móng cho Iran trở lại tuân thủ các cam kết của mình trong văn kiện này". Báo cáo cũng khẳng định, việc miễn trừng phạt phục vụ cho các lợi ích của Mỹ liên quan đến không phổ biến vũ khí hạt nhân và an toàn hạt nhân, đồng thời kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran.
Kể từ tháng 4-2021 đến nay, Mỹ và Iran đã tiến hành 8 vòng đàm phán gián tiếp tại Vienna. Chưa có thông báo chính thức nào về thời điểm diễn ra vòng đàm phán thứ 9, song giới chuyên gia hy vọng đàm phán sẽ được nối lại vào tuần tới. Giới chức Mỹ nhận định, đàm phán tại Vienna đang vào giai đoạn quan trọng nhất. Tại vòng đàm phán thứ 8, dù các bên đều nỗ lực tiếp cận vấn đề theo hướng tích cực, song giữa Mỹ và Iran vẫn tồn tại một số vướng mắc. Trong khi Iran kịch liệt phản đối việc Mỹ đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nhà nước Hồi giáo, đặc biệt là lĩnh vực dầu mỏ, khiến quốc gia này rơi vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, thì Washington và các đồng minh lại phản ứng dữ dội về việc Tehran tiếp tục làm giàu urani. Mỹ cho rằng, với công nghệ làm giàu urani, Iran hoàn toàn có thể chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran phản bác luận điểm của Mỹ và phương Tây, khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEIO) Ali Akbar Salehi khẳng định, đã thông báo với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) việc Tehran tiến hành hoạt động làm giàu urani ở mức tinh khiết 60%. Tehran kiên quyết theo đuổi lập trường rằng, tất cả các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ và Mỹ phải đưa ra các bảo đảm rằng nước này sẽ không rút khỏi JCPOA một lần nào nữa.
Tóm lại, vấn đề cốt lõi nhất giữa Mỹ và Iran lâu nay vẫn là xây dựng lòng tin. Vì thế, động thái mới của Nhà Trắng được xem là thiện chí từ phía Washington. Điều này cũng phát đi tín hiệu cho thấy, hai bên có thể đạt được một số tiến triển trong việc thu hẹp bất đồng tại vòng đàm phán mới. Một khi thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh, cơ hội thúc đẩy hòa bình và ổn định quay trở lại khu vực Trung Đông cũng sẽ rộng mở hơn.