Kinh tế thế giới trước áp lực giá dầu

14:42 - Thứ Năm, 24/02/2022 Lượt xem: 5086 In bài viết

Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu tăng vọt lên đến gần 100 USD/thùng. Điều này đang đe dọa giáng đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới vốn đang chật vật tìm đường phục hồi từ đại dịch. Các dự báo cho thấy ngưỡng 100 USD/thùng sẽ là câu chuyện sẽ sớm xảy ra.

Nguyên nhân đẩy giá

Năng lượng vẫn là câu chuyện nổi bật, đi cùng đà hồi phục kinh tế trong hơn 1 tháng đầu của năm 2022. Giá dầu thô đã tăng hơn 50% trong năm 2021. Và chỉ riêng trong tháng 1 đầu năm nay, đã tăng tiếp từ hơn 15% và gần 18% với dầu Brent và dầu thô WTI.

Giá dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh ngay đầu năm 2022.

Trong khi đó, nguồn cung dầu đang thiếu hụt trên toàn cầu. Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dù cam kết tăng nguồn cung ở mức 400.000 thùng/ngày, nhưng mức tăng chỉ đạt 150.000 thùng/ngày vào tháng 1 vừa qua. Tại Mỹ, số lượng các giàn khoan dầu đá phiến mới hoạt động lại khoảng 70% so với trước đại dịch. Trong khi đó, theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu năm 2022 sẽ tăng thêm khoảng 3,2 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.

Tiếp đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine những tháng gần đây, cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng mạnh. Nga là nước sản xuất dầu và khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Nước này cũng đóng một vai trò mang tính chủ chốt trong nhóm OPEC+.

Các chuyên gia hầu hết đều cho rằng thị trường đang rất nhạy cảm với những diễn biến trong tình hình Nga-Ukraine. Ông Nishant Bhushan, chuyên gia phân tích thị trường dầu cấp cao của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy), dự đoán bất kỳ sự gián đoạn nào trong nguồn cung dầu từ Nga cũng sẽ đẩy giá dầu Brent và WTI vượt xa mức 100 USD/thùng.

Nguy cơ siêu lạm phát

Một số nhà phân tích cho rằng giá dầu tăng vọt và khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ là mối đe dọa gây ra siêu lạm phát. Theo phân tích của Bloomberg Economics, nếu giá dầu thô tăng lên 100 USD/thùng vào cuối tháng này sẽ làm lạm phát ở Mỹ và châu Âu tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm nay.

Các ngân hàng trung ương ở một số nền kinh tế phát triển đang cảnh giác vì lạm phát gia tăng. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 1-2022, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 7,5% và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2-1982. Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3-2022 để kiềm chế lạm phát, vốn đã vượt quá mục tiêu 2%. Một số chuyên gia cho rằng FED thậm chí có thể tăng lãi suất đến 7 lần trong năm nay.

Tỷ lệ lạm phát cao cũng gây áp lực khiến Ngân hàng Trung ương Anh phải tăng lãi suất trong cuộc họp thứ hai liên tiếp vào đầu tháng 2, lên mức 0,5%/năm. Việc gần một nửa số thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ đã bỏ phiếu cho việc tăng lãi suất lên 0,75%/năm, khiến việc chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa vào tháng tới có nhiều khả năng xảy ra.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde gần đây cũng để ngỏ khả năng đánh giá kỹ giá năng lượng tác động thế nào đến nền kinh tế, đồng thời ra tín hiệu thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hôm 10-2 cũng đánh giá diễn biến hiện nay của giá dầu là một rủi ro. Theo các chuyên gia kinh tế Ấn Độ, giá dầu trên 75 USD/thùng sẽ gây tổn hại cho Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo giá tiêu dùng toàn cầu lên mức trung bình 3,9% từ 2,3% ở các nền kinh tế phát triển trong năm nay, và lên 5,9% ở các nước mới nổi và đang phát triển.

Các nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới chắc chắn hưởng lợi từ đợt tăng giá này. Tính toán của các chuyên gia cho thấy ngân sách Nga sẽ có thêm khoản thu bổ sung lớn từ giá dầu cao trong năm nay. Với giá dầu dự kiến sẽ duy trì ở mức 90 USD/thùng, ngân sách Nga sẽ có thêm 65 tỷ USD. Với mức giá dầu được dự báo lên đến 100 USD/thùng, ngân sách Nga sẽ nhận được thêm 73-80 tỷ USD. Các nền kinh tế Trung Đông hay Canada cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể. Giá nhiên liệu tăng gây ra hiệu ứng domino đối với loạt hoạt động kinh tế là điều tất yếu, trong đó phải kể đến chuỗi cung ứng. Hoạt động này vốn chứng kiến sự gián đoạn từ cuối năm ngoái, nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, làm trì hoãn việc vận chuyển nguyên liệu thô hoặc thành phẩm.

Xu thế khó tránh của 2022

Lần cuối giá dầu thế giới chạm mốc 100 USD/thùng là vào năm 2014, khi giá dầu dao động trong khoảng 100-105 USD/thùng suốt nửa đầu năm. Trong khi đó, mức giá dầu cao nhất từ trước đến nay được ghi nhận vào tháng 7-2008, khi giá dầu Brent chạm mức cao kỷ lục 147,50 USD/thùng.

Nhiều tổ chức uy tín như Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), IEA và OPEC đều dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ vượt mức tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày trong năm nay, do tác động của biến thể Omicron đến nhu cầu đi lại không quá nhiều như những dự báo trong năm 2021. Trong khi đó, nguồn cung dầu, với các vấn đề từ sự cố đường ống như tại Ecuador, hay việc các thành viên OPEC tiếp tục sản xuất thiếu dầu so với hạn ngạch đề ra do các bất ổn nội bộ, đều tạo động lực khiến giá tăng mạnh. Chưa kể đến các vấn đề địa chính trị căng thẳng chưa thấy điểm dừng.

Trong ngắn hạn, sẽ rất khó có thể tìm được một giải pháp toàn diện cho bài toán năng lượng toàn cầu vì đây là vấn đề mang tính lâu dài và đòi hỏi nỗ lực chung của các nước và tổ chức đa phương. OPEC - cơ chế đa phương có nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, trong cuộc họp chính sách diễn ra hồi tháng 11-2021 đã khẳng định sẽ điều chỉnh sản lượng dựa vào tình hình thực tế trên thị trường "vàng đen", thậm chí có thể điều chỉnh mức tăng vào bất kỳ thời điểm nào, nhằm đáp ứng vừa đủ nhu cầu năng lượng thế giới.

P.V (theo CAND)
Bình luận

Tin khác

Back To Top