Israel tấn công vào lãnh thổ Lebanon: Nấc thang mới nguy hiểm

09:31 - Thứ Tư, 02/10/2024 Lượt xem: 2964 In bài viết

Việc Israel chính thức phát động chiến dịch tấn công trên bộ vào lãnh thổ Lebanon cho thấy, xung đột tại Trung Đông đã leo lên một nấc thang mới. Không chỉ mang tới thêm rủi ro, động thái nguy hiểm này còn đặt ra nhiều thách thức cho nỗ lực vãn hồi hòa bình.

Xe tăng của Israel tại khu vực biên giới với Lebanon. Ảnh: ABC

Quân đội Israel (IDF) đã chính thức bắt đầu chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ vào lãnh thổ Lebanon ngày 1-10. Chiến dịch nhắm vào vị trí của lực lượng Hezbollah tại các làng gần biên giới miền Nam Lebanon, được xem là mối đe dọa đối với cộng đồng dân cư ở phía Bắc Israel.

Tuyên bố của IDF nhấn mạnh, lực lượng pháo binh và không quân Israel đang hỗ trợ bộ binh trong cuộc tấn công này. IDF nêu rõ, chiến dịch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên thực địa, các kênh truyền thông quốc tế cùng ngày ghi nhận sự gia tăng đáng kể hoạt động quân sự trong vùng chiến sự. Đài CNN đã đưa tin về tiếng pháo, máy bay không người lái (drone) và trực thăng gần biên giới Lebanon - Israel. Một số vụ nổ, các tia sáng và khói cũng được nhìn thấy từ hướng ngôi làng Aadaysit Marjaayoun của Lebanon.

Phát biểu với báo chí, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati cho biết, đất nước của ông đang đối mặt với “một giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử” và kêu gọi Liên hợp quốc sớm cung cấp viện trợ cho 1 triệu người đang phải di tản do các cuộc tấn công của Israel.

Động thái mới của Israel diễn ra sau hàng loạt hành động leo thang căng thẳng của cả hai phía. Kể từ sau vụ hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ trên khắp Lebanon, giao tranh đã bùng phát giữa IDF và Hezbollah.

Tel Aviv đã tiến hành nhiều cuộc không kích trên khắp lãnh thổ Lebanon, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Đỉnh điểm căng thẳng là khi thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah thiệt mạng trong cuộc không kích hồi cuối tuần qua. Về phần mình, Hezbollah cũng tấn công Israel bằng các vũ khí tầm xa, gây ra một số thiệt hại nhất định.

IDF đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho chiến dịch mới. Ngày 30-9, lực lượng này kêu gọi người dân ở 3 khu vực phía Nam Thủ đô Beirut của Lebanon sơ tán, đồng thời phong tỏa 3 khu vực dân cư miền Bắc Israel gần biên giới Lebanon, gồm các khu vực quanh cộng đồng Metula, Misgav Am và Kfar Giladi. Các khu vực này sau đó được chuyển thành khu vực quân sự và cấm người dân ra vào.

The Guardian dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, ông và người đồng cấp Israel đã trao đổi và nhất trí về việc phải “dỡ bỏ” các lực lượng Hezbollah dọc biên giới. Người phát ngôn IDF Avichay Adraee cũng lưu ý, IDF sẽ hành động cương quyết.

Diễn biến mới ở Trung Đông khiến cộng đồng quốc tế thêm lo ngại. Giới quan sát tuy cho rằng, cuộc tấn công mới của Israel chủ yếu nhằm xốc lại vị thế trong khu vực và ghi điểm về chính trị trong nước, nhưng thừa nhận đây là dấu hiệu cho thấy xung đột trong khu vực đã leo thang vượt mọi dự báo.

Nhiều ý kiến cũng chỉ ra, cuộc đối đầu trực diện của Israel và Hezbollah - đều là những bên có nhiều đồng minh, hoàn toàn có nguy cơ lôi kéo các nước khác vào cuộc.

Theo Hãng tin Al Jazeera, Mỹ - đồng minh của Israel đã tuyên bố triển khai thêm quân. Washington hiện có khoảng 40.000 binh sĩ trong khu vực. Bản thân Iran luôn là một đối tác quan trọng của Hezbollah, kể từ khi lực lượng này được thành lập để ứng phó việc Israel tấn công Lebanon vào năm 1982. Trong khi đó, “bóng ma” hạt nhân vẫn luôn ẩn hiện trong khu vực.

Động thái mới của Israel cũng khiến nước này tiếp tục hứng chịu hàng loạt chỉ trích trên trường quốc tế. Liên hợp quốc tuyên bố phản đối kế hoạch tấn công mới của Israel.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc khuyến nghị sử dụng vũ lực nếu Hội đồng Bảo an không ngăn chặn được tình hình, đồng thời kêu gọi các nước Hồi giáo thực hiện các biện pháp kinh tế, ngoại giao và chính trị chống lại Israel.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Israel về tình hình Tây Á và nhấn mạnh yêu cầu hạ nhiệt căng thẳng. Lãnh đạo nhiều quốc gia cũng thúc giục Israel và Hezbollah ngừng bắn, và kêu gọi chấm dứt hoàn toàn xung đột ở Lebanon.

Tuy nhiên, dựa trên những gì đã, đang diễn ra, có thể khẳng định, cơ hội tìm được một lối thoát tức thời cho các xung đột ở Trung Đông - bao gồm cả điểm nóng mới tại Lebanon - là bất khả thi. Thay vào đó, các bên liên quan cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung nhằm giải quyết gốc rễ mâu thuẫn, từ đó mới có thể hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top