ĐBP - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền của các cấp, ngành, các địa phương, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ.
Qua đánh giá của cơ quan chức năng, BLGĐ có nhiều nguyên nhân, song phần đa là liên quan đến tệ nạn xã hội, kinh tế khó khăn gây mâu thuẫn gia đình… Nạn nhân của BLGĐ không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà xảy ra cả ở trẻ em và người già. Để ngăn chặn tình trạng trên, những năm qua, các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác gia đình, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa; triển khai, tổ chức các hội thi, cuộc thi về công tác gia đình; tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới; các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ...
Bà Nguyễn Thị Loan, Phó phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Nhằm đánh giá cụ thể hơn những kết quả đạt được trong công tác phòng chống BLGĐ, đặc biệt là phân tích, đánh giá, tham gia góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Quốc hội trưng cầu, vừa qua các sở, ngành, địa phương đã đánh giá quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ. Kết quả cho thấy, các sở, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên thực hiện tốt việc lồng ghép các hoạt động về phòng, chống BLGĐ vào các chương trình, kế hoạch của ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm quán triệt, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ và kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình; hậu quả của BLGĐ và các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng, chống BLGĐ. Hàng năm, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ đã được các sở, ban, ngành thực hiện, nhất là việc tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, như: Tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, treo pa nô, băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội thi...
Cũng như nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, thời gian qua, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hơn nữa đây là xã duy nhất đến thời điểm hiện tại có phòng tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ cư trú. Ông Lò Văn Kiên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Phòng tạm lánh ở đây có đầy đủ tiện nghi như: Xoong, nồi, giường, tủ, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu… Tuy nhiên, làm tốt công tác ngăn ngừa, tuyên truyền, từ khi thành lập đến nay, xã chưa có trường hợp nào bị BLGĐ phải đến đây cư trú.
Không chỉ xã Thanh Yên, hiện nay, công tác phòng, chống BLGĐ đã được các địa phương quan tâm nhiều hơn. Mô hình phòng, chống BLGD đã được triển khai tại 10/10 huyện, thị, thành phố; 70/129 xã, phường có ban chỉ đạo; 417 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 538 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; hơn 500 tổ tư vấn, hòa giải cơ sở. Trong đó, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng/lần, một số khác duy trì sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý. Riêng “địa chỉ tin cậy” toàn tỉnh hiện có 796 địa chỉ. Điều này cho thấy, việc tuyên truyền, vận động và xây dựng “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng đã được các cấp, các ngành cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm nhằm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị BLGĐ, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu hậu quả của bạo BLGĐ.
Nhờ những nỗ lực trong tuyên truyền cũng như kết hợp đa dạng giải pháp, có thể nói tình trạng BLGĐ trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 62 vụ BLGĐ (giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, bạo lực tinh thần 17 vụ, bạo lực thân thể 43 vụ, bạo lực tình dục 1 vụ, bạo lực kinh tế 1 vụ. Các vụ cơ bản được giải quyết và xử lý hài hòa, thuận lý, hợp tình. Rộng hơn, nếu như năm 2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 798 vụ (trong đó, 135 vụ bạo lực đối với người già; 379 vụ bạo lực đối với phụ nữ, 284 vụ bạo lực đối với trẻ em); thì đến nay, chỉ còn vài chục vụ. Bà Nguyễn Thị Loan khẳng định, có được kết quả trên là nhờ các cấp, ngành, đoàn thể đã quan tâm hơn đến công tác ngăn ngừa, phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, từ khi Luật Phòng, chống BLGĐ được triển khai thực hiện, nhận thức về phòng, chống BLGĐ của toàn xã hội được nâng lên; tình trạng BLGĐ hàng năm giảm đáng kể; các mô hình, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được duy trì có chất lượng... đã góp phần ổn định xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng cuộc sống của các cá nhân và gia đình được cải thiện.