Gìn giữ trang phục truyền thống người Khơ Mú

08:46 - Thứ Năm, 13/01/2022 Lượt xem: 8693 In bài viết

ĐBP - Sống chung với nhiều dân tộc khác, cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống là một trong những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khơ Mú. Những bộ trang phục đa sắc màu thể hiện sự cần cù, sáng tạo và tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ của những người phụ nữ Khơ Mú; góp phần lưu truyền cho thế hệ sau biết trân trọng và gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc mình.

Phụ nữ Khơ Mú huyện Tuần Giáo biểu diễn các điệu múa dân tộc cùng với trang phục truyền thống.

Đồng bào Khơ Mú còn có tên gọi là Kờ Mụ, Kmụ, Kưm Mụ, Xá Cẩu, Khạ Klẩu, Măng Cẩu, Tày Hạy. Ở tỉnh ta, người Khơ Mú có khoảng hơn 22 ngàn người, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu trên các triền núi cao hoặc vùng lưng chừng núi thuộc các huyện, thành phố: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ, TP. Điện Biên Phủ... với nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú và giàu bản sắc. Từ xa xưa người Khơ Mú đã biết trồng bông, dệt vải để tự làm ra vải mặc. Phụ nữ Khơ Mú đã trở thành người nghệ sĩ tạo nên tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, lối sống của dân tộc mình, hoa văn được thêu dệt trên trang phục với nhiều màu sắc được kết hợp tinh tế thể hiện mỗi quan hệ bền chặt của con người với thiên nhiên.

Theo Nghệ nhân Quàng Thị Hinh, bản Hua Ca, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo), trang phục của người Khơ Mú có kết cấu rất giống trang phục của người Thái. Phụ nữ Khơ Mú mang trên mình chiếc áo ngắn, bên trong có yếm, lưng thắt vải, váy dài, chân mang xà cạp, đầu đội khăn... Khăn đội đầu (hưm pông) thường ngày gần giống như chiếc khăn piêu của người Thái được may bằng vải mộc hoặc nhuộm chàm, không trang trí hoa văn; khăn dài khoảng 2m, rộng 38 - 40cm tùy theo khổ vải dệt. Khăn quấn đi lễ hội là loại khăn có thêu hoa văn một mặt; phụ nữ Khơ Mú khéo léo quấn vòng quanh đầu để phô phần hoa văn ra ngoài. Một loại khăn khác là khăn nối (một nửa là vải thô nhuộm chàm, một nửa là dệt hoa văn) cũng thường được phụ nữ dùng trong dịp lễ hội. Áo (Tẹp) của người Khơ Mú mặc thường ngày chủ yếu là áo ngắn màu chàm, xanh thẫm hoặc xanh lá mạ. Nẹp cổ liền với nẹp ngực nhưng chỉ dài ngang ngực. Phía dưới hai nẹp ngực nối thêm những băng vải nhỏ có màu đỏ, xanh, vàng. Áo thường có hai lớp vải, lớp trong thường là vải chéo xanh hoặc phin, lớp ngoài là vải dệt thô nhuộm chàm. Trong những dịp lễ hội, cưới, phụ nữ Khơ Mú thường là áo dài trùm kín cạp váy khoảng 20cm. Riêng phần ngực áo, dọc hai bên có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện ước mong phồn thịnh của người dân, cầu mong các vị thần mặt trời sẽ sưởi ấm và che chở họ trong cuộc sống. Đặc biệt, Yếm là một bộ phận quan trọng, không thể thiếu trong trang phục của người Khơ Mú. Yếm được may bằng vải màu trắng hoặc màu hồng. Đầu yếm cắt lượn tròn và thêu hoa văn trang trí, có đính hai dây vải để buộc vào cổ. Thân yếm đính hai dải vải dài hơn để buộc ra sau lưng. Đối với váy chủ yếu may bằng vải màu đen hoặc màu chàm, ở phần chân váy thêu hoa văn trang trí bằng chỉ nhiều màu. Hoa văn trang trí trên váy rất đa dạng gồm hình mặt trời, mặt trăng, hươu, nai, rồng, chim công, gà lôi, các loại hoa thược dược, hoa ban, phong lan... Nói đến trang phục người Khơ Mú thì không thể không nhắc tới đồ trang sức như: Vòng tay, hoa tai, vòng cổ... chủ yếu được làm bằng bạc (có thể đeo nhiều vòng). Những chiếc vòng được tạo hình tròn song không khép kín mà thường hở một đoạn nhất định. Không chỉ phụ nữ mà đàn ông Khơ Mú cũng sử dụng đồ trang sức. Trang phục phụ nữ cầu kì bao nhiêu, thì trang phục của nam người Khơ Mú lại đơn giản bấy nhiêu, gồm có áo, quần được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi.

Chị Lường Thị Tiên, đội múa bản Hua Ca, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Mỗi lần mặc trang phục dân tộc tôi thấy rất tự hào, phấn khởi. Vì thế, để gìn giữ những nét đẹp văn hóa, nhất là trang phục truyền thống, thế hệ trẻ người Khơ Mú cần phát huy giá trị truyền thống dân tộc, yêu qúy và trân trọng những nét đẹp tinh túy trong trang phục của dân tộc mình”.

Tại huyện Tuần Giáo, hiện cộng đồng người Khơ Mú chủ yếu sinh sống ở các bản vùng cao như: Hua Ca (xã Quài Tở); Huổi Lốt 1, Huổi Lốt 2, Co Nghịu (xã Mường Mùn); Hua Mức 3, Hát Khoang (xã Pú Xi); Ta Lếch, Bó Lếch (xã Mùn Chung). Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện chia sẻ: “Trang phục là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống, rất dễ nhận biết của mỗi dân tộc. Trang phục truyền thống không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay. Tại huyện Tuần Giáo, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa từ trang phục truyền thống, những năm qua ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, Phòng Văn hóa - Thông tin đã phối hợp giữ gìn, bảo tồn trang phục, đưa trang phục truyền thống dân tộc vào các trường học. Đồng thời, xây dựng, tham mưu cho huyện ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng...”.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top