Điện Biên Đông

Chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa

08:26 - Thứ Năm, 24/02/2022 Lượt xem: 4884 In bài viết

ĐBP - Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở góp phần quan trọng tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; hình thành nếp sống văn hóa, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong tham gia các phong trào, hoạt động tại khu dân cư, là điều kiện để xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bền vững. Những năm qua, việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tại huyện Điện Biên Đông đã có sự chuyển biến tích cực, người dân từng bước hình thành được nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn xã hội; đời sống văn hóa tinh thần dần được nâng cao...

Bà con dân tộc Lào xã Mường Luân chơi trò chơi trong lễ mừng cơm mới.

Trở lại xã Mường Luân vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự đổi thay tích cực của diện mạo nông thôn nơi đây; những con đường vào bản đã được kiên cố, môi trường xanh, sạch, đẹp, ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà mới khang trang. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Đây là thành quả của việc toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Cùng với những thay đổi trên, người dân trong xã còn đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bằng nhiều mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, kinh doanh dịch vụ... Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, người dân trong xã đã chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tham gia xây dựng quy ước, hương ước của cộng đồng, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Đến nay, 13 bản trong xã đều đã xây dựng xong quy ước và đang đợi huyện công nhận; một số hủ tục (để người mất ở nhà quá lâu, tổ cưới và việc tang lãng phí (mổ trâu, bò), tảo hôn, kết hôn cận huyết thống) đã từng bước được hạn chế, đẩy lùi. Trong năm 2021, toàn xã chỉ có 4 trường hợp tảo hôn, không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống, đối tượng nghiện ma túy đã giảm.

Đặc biệt, nhận thức của người dân Mường Luân về xây dựng môi trường văn hóa đã được nâng cao; bà con đã chủ động đăng ký thực hiện “gia đình văn hóa”, “bản văn hóa”; không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, thường xuyên quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; làm nhà tiêu hợp vệ sinh, làm lò đốt rác; hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng thiết chế văn hóa. Hiện toàn xã có 1 sân vận động và nhà văn hóa xã, 6 sân thể thao, 13/13 bản đều có nhà văn hóa; tại các bản đã thành lập được các đội văn nghệ quần chúng để biểu diễn phục vụ nhân dân trong dịp lễ, tết... Những chuyển biến tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa đã giúp xã Mường Luân đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; đến cuối năm 2021, xã đã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thời gian qua nhận thức của người dân xã Keo Lôm đã có sự thay đổi rõ rệt. Cứ vào dịp cuối tuần hàng tháng, bà con tại các thôn, bản lại tập trung vệ sinh, quét dọn đường làng ngõ xóm để giữ gìn bản làng xanh - sạch - đẹp; rác thải được thu gom, đào hố chôn lấp, xử lý; người dân trong xã đoàn kết chung tay xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã có 17/23 bản được công nhận bản văn hóa, 975 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm 75% tổng số hộ gia đình trên địa bàn); 11/23 bản có nhà văn hóa; các hủ tục từng bước được xóa bỏ, hạn chế số người vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội. Đặc biệt, người dân đã tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua của địa phương, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở...

Đánh giá về kết quả thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông khẳng định: Phong trào đã có những chuyển biến rõ nét trong những năm gần đây, thể hiện qua việc số lượng các tổ, bản, cơ quan, đơn vị, gia đình đạt danh hiệu văn hóa ngày càng tăng. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 10.900/13.700 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm gần 80%), 189/198 bản đạt danh hiệu bản văn hóa, 99/101 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa được huyện quan tâm đầu tư xây dựng khi đến nay toàn huyện có 144 nhà văn hóa (gồm 2 nhà văn hóa huyện, 12 nhà văn hóa xã, 130 nhà văn hóa tổ, bản), 4 sân thể thao xã, 76 sân thể thao mini thôn bản; 3 phòng tập đa năng, 1 sân cỏ nhân tạo, 1 hồ bơi... Đáng nói, nhận thức của người dân đã được nâng cao, bà con đã có ý thức trong việc tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sạch đẹp, từng bước xóa bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, chủ động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc... Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình văn hóa, ngày càng ấm no hạnh phúc.

Đức Linh
Bình luận
Back To Top