Vấn đề tuần này

Lúng liếng nàng Ban

08:18 - Thứ Năm, 10/03/2022 Lượt xem: 5432 In bài viết

ĐBP - Vậy là sau 2 mùa lỗi hẹn (năm 2020, 2021) do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bước sang năm nay, tỉnh ta quyết định tổ chức lễ hội Hoa Ban để quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là vẻ đẹp của loài hoa kiều diễm, trắng trong, tinh khôi, tượng trưng cho người con gái Thái nơi núi rừng Tây Bắc này.

Cận kề lễ hội Hoa Ban, các hoạt động chuẩn bị cho đêm khai mạc, một số nội dung quanh lễ hội được Ban tổ chức, nhà chuyên môn, đơn vị phối hợp... rốt ráo lên phương án hoàn thiện. Mục tiêu là lễ khai mạc và các hoạt động liên quan đạt tính hoành tráng, nhưng đảm bảo an toàn dịch bệnh và tiết kiệm.

Rút kinh nghiệm từ một số lần tổ chức trước, năm nay, Ban tổ chức, nhà chuyên môn áp dụng nhiều công nghệ âm thanh, ánh sáng, đồ họa hiện đại để tôn lên sân khấu những hợp cảnh, phân cảnh, chi tiết trong kịch bản về hoa ban, truyền thuyết hoa ban mà các văn, nghệ sĩ, diễn viên khổng thể lột tả hết, để khán, thính giả đón xem chương trình hiểu sâu sắc, cặn kẽ, chi tiết hơn về hoa ban; về mối tình đẹp, thủy chung nhưng cách trở, dở dang, đắng cay đến tột độ giữa chàng Khum và nàng Ban.

Lễ hội hoa Ban khai mạc vào đêm 13/3 - đúng ngày quân và dân ta “khai hỏa” cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 68 năm. Để rồi sau 56 ngày đêm “Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”... quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khi cuối giờ chiều ngày 7/5/1954, tướng Đờ cát và tùy tùng kéo cờ trắng ra hàng, kết thúc cuộc chiến không cân sức “giữa kiến và voi” như lời Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp từng so sánh.

Lễ hội Hoa Ban mở đầu cho “mùa du lịch” Điện Biên. Những năm gần đây, nhằm khai thác tiền năng, thế mạnh về ngành “công nghiệp không khói” này, tỉnh Điện Biên đã có các nghị quyết, chương trình phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; khai thác, lưu gữ bản sắc văn hóa các dân tộc... Mục tiêu, khách du lịch đến với Điện Biên, với mảnh đất hoa ban, ngoài ngắm nhìn các con đường rợp hoa ban, các rừng ban đang bung nở trắng muốt như chảy từ đỉnh núi xuống lòng thung, còn được tham quan các điểm di tích lịch sử để tìm hiểu về truyền thống đấu tranh giữ nước của cha ông ta.

Các di tích trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ đang được tỉnh Điện Biên đầu tư tôn tạo, bảo tồn xứng tầm lịch sử. Năm nay, đến với Điện Biên, du khách sẽ được tham quan bức tranh Panorama bằng chất liệu sơn dầu lớn nhất thế giới tại Bảo tàng chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ. Qua các chương hồi bố trí quanh bức tranh, qua giới thiệu của thuyết minh viên, du khách như được tái hiện lại toàn bộ diễn biến khốc liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trở lại với lễ hội hoa Ban năm nay, do tình hình dịch bệnh, tỉnh Điện Biên đã cắt giảm một số hoạt động so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, cái “hồn cốt”, bản sắc của hoa Ban, của dòng chảy lịch sử, sắc màu văn hóa, của du lịch Điện Biên tại đêm khai mạc thì càng được nâng tầm, quảng bá rộng rãi thêm lên.

Nhắc đến Điện Biên người ta nghĩ ngay đến hoa ban. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 10/9/2018 về bảo vệ và phát triển cây hoa Ban. Sau 5 năm tập trung trồng và chăm sóc, hiện nay loài hoa đặc trưng cho người con gái Thái đang hiện diện khắp nơi, từ các tuyến đường trung tâm thành phố, thị tứ, trường học, công sở, điểm di tích lịch sử và cả trên núi rừng xa xôi.

“Hoa ban nở thành người con gái Thái”... Phải là người am hiểu sâu sắc, tường tận phong tục tập quán, bản sắc văn hoa Thái, day dứt với mối tình đẹp của nàng Ban thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo mới viết được những câu thơ “đời” đến vậy. Ông hình tượng hóa người con gái Thái với hoa Ban. Sống ở vùng cao, khó khăn, thiếu thốn trăm bề nhưng người con gái Thái vẫn ngày ngày chăm chỉ lao động sản xuất làm ra của cải vật chất cho gia đình và xã hội, chung thủy với chồng con. Như loài hoa ban, sống trên rừng, đất cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt, thân gầy khẳng khiu, nhưng đến mùa vẫn nở hoa khoe sắc, làm đắm say du khách lữ thứ.

Hoa ban thì nhiều nơi trồng được. Ngay thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay TP. Đà Lạt... cũng có. Tuy nhiên, nói như một số “tín đồ” của loài hoa núi rừng này thì chỉ khi đến Điện Biên mới thực sự được chiêm ngưỡng hoa ban đúng nghĩa. Cứ độ tháng 3 về, khi tiết trời Tây Bắc ấm áp, hoa ban lại bung nở, tỏa hương khoe sắc. Cánh hoa mỏng manh, trắng muốt, tinh khôi, cũng có loại phớt hồng như làn da các thiếu nữ Thái tuổi cập kê.

Với nét đẹp riêng có, không ồn ào, không “nhuốm bụi thời gian” nơi phố hội đô thành, nên hoa ban Điện Biên đang dang rộng vòng tay đón mời mời du khách gần xa đến thưởng lãm.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top