Đến với bài thơ hay

Sao đổi ngôi

08:45 - Thứ Năm, 30/03/2023 Lượt xem: 5985 In bài viết

    Bất ngờ sao rụng vào không

Ta vo điều ước vào trong cái nhìn

     Ta - phiền phức một hành tinh

Dại khờ ký thác nỗi mình vào sao!

 

   Buông mình, sao rụng về đâu?

Ta tìm mãi chẳng nơi nào bình yên

   Ta băng qua sự buồn phiền

Hiểu điều đã mất tự nhiên mãi còn...

                          Thu Nguyệt 

“Sao đổi ngôi” - Một vài cảm nhận

Thu Nguyệt là nhà thơ có tài về lục bát, phải công nhận như thế. Lục bát của Thu Nguyệt nhẹ nhàng, tự nhiên, như đã được “lập trình” sẵn trong tâm hồn. Thế nên, độc giả ít khi nhận thấy kỹ thuật trong ngòi bút ấy, cứ như chẳng có sự sắp xếp nào, tự thân nó ngay từ khi ra đời đã thế, tự thân người viết phải trải lòng như thế. Tác giả viết tự nhiên, độc giả cũng tiếp nhận một cách tự nhiên.

Sao đổi ngôi là một bài thơ ngắn với hai khổ tám câu, có sự hoán đổi chủ thể liên hoàn (sao - ta - sao - ta), kết hợp cấu trúc lục bát quen thuộc tạo cho thơ êm ả và sâu lắng. Mở đầu, tác giả khai thác hình ảnh sao băng không có gì lạ lẫm: “Bất ngờ sao rụng vào không.” Sao băng là chuyện bình thường trong tự nhiên, người ta vẫn thường cầu nguyện khi nhìn thấy sao băng để tìm may mắn. Vậy mà nhân vật “ta” lại chỉ “vo điều ước vào trong cái nhìn”. Điều ước tưởng chừng lớn lao, kỳ vĩ, nhưng thực tế có thể... vo tròn lại. Nó được gửi gắm thông qua cái nhìn chứ không phải thông qua lời cầu nguyện. Nhìn sao rơi xuống nhanh chóng, vậy là đủ, vậy là đã ước xong. Điều ước nằm trong cái nhìn xa xăm mơ hồ, tưởng chừng đơn giản lắm và cũng mong manh lắm.

Ngôi sao kia có nhận được điều ước ấy không, cũng không cần thiết. “Ta” lúc nầy (hay đã tự bao giờ) như một hành tinh phiền phức, chẳng biết giấu nỗi niềm của mình vào đâu, đành “dại khờ ký thác” vào ánh sao băng ấy. Thì đành vậy, con người bình thường gửi lời nguyện cho sao, còn hành tinh phiền phức nầy thì biết gửi gắm vào đâu? Nhân vật “ta” có gửi cho cõi người được không khi cõi người quá mông lung biết có ai đáng tin cậy để gửi gắm? Thôi thì đành gửi vào ánh sao kia vậy!

Đoạn đầu như là kể chuyện, chia sẻ, về ngôi sao và cả về mình. Để tiếp đến đoạn sau, câu hỏi lớn được đặt ra: “Buông mình, sao rụng về đâu?” Có thể là không có lời đáp. Ngay cả người đọc khi tiếp nhận câu nghi vấn nầy cũng sẽ tự trăn trở: Rụng về đâu? Nhưng rồi vẫn không tìm ra câu trả lời. Chỉ có tác giả từ câu hỏi ấy đã tự thừa nhận: “Ta tìm mãi chẳng nơi nào bình yên.” Sao chưa biết khi buông mình xuống sẽ về đâu, “ta” lúc nầy cũng thế. Nhân vật trữ tình đứng trong tâm thế đau đáu hoang mang. Tìm ở đâu, đến bao giờ, và thế nào là bình yên đúng nghĩa? Thật khó, cho nên tìm mãi chẳng xong! Những thi ảnh lần lượt được ghi lại như bất chợt vụt hiện ra trong tâm khảm nhân vật “ta” hay người viết.

Sao băng đến rồi đi, chỉ có buồn phiền vẫn còn ở lại. Tác giả tự ví mình như sao, sao thì băng qua cuộc đời, còn người thì băng qua nỗi buồn. Ta chỉ đành làm thế thôi, chỉ có thế mới đối diện được nỗi buồn triền miên của kiếp nhân sinh. Và khi ấy, vô tình thay, may mắn thay, ta lại được “Hiểu điều đã mất tự nhiên mãi còn” như một sự tiếp thu và nhìn nhận những điều vốn hằng hữu mà ta đã mãi loay hoay chưa thấy. Sao băng qua là mất, nhưng ánh sáng kia vẫn sáng mãi trong lòng người. Kiếp người mấy mươi năm cũng hết, nhưng có những thứ không thể phai mờ được.

Từ hình ảnh ngôi sao băng và thực tại đời người, Thu Nguyệt đã đẩy ý tưởng lên đến độc đáo, phảng phất triết lý Phật giáo. Nhà thơ đã tìm được (hay là nhận ra) chính mình trong cái đống ngổn ngang của cuộc sống, ta là sao mà sao cũng là ta, và đều là những cá thể tự do trong hành trình đằng đẳng chưa biết điểm dừng. Cuộc đời thay đổi, nhưng không sao cả, chỉ cần “băng qua”, chỉ cần “hiểu điều đã mất tự nhiên mãi còn” là đủ.

Mượn “sao” để nói về “ta”, rồi từ “ta” lại suy nghiệm đến “sao”, Thu Nguyệt đã khéo léo sắp đặt những hình ảnh, chi tiết, động từ mạnh để tạo nên sự hấp dẫn trong cách diễn đạt. Ngay cả việc chuyển đoạn giữa đoạn đầu và đoạn sau cũng thể hiện sự tinh tế của nhà thơ, một đoạn mang tính chất ghi chuyện, bất chợt vụt sang một đoạn trăn trở để rồi nghiệm ra. Bài thơ mang đến một nỗi buồn khó diễn tả cho xuôi, một suy tư khó trả lời cho tròn. Chính vì thế, nó đã tạo ra một “khoảng trống” mơ màng, ngân vang mãi trong lòng người đọc.

Vĩnh Thông
Bình luận

Tin khác

Back To Top