Video

Thúc đẩy liên kết sản xuất nông nghiệp

Thứ Bảy, 20/05/2023 06:48 Lượt xem: 8386 In bài viết

ĐBP - Nhằm tạo sự ổn định đầu ra cho nông sản, giúp người dân yên tâm sản xuất, một số địa phương trong tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình liên kết đó tạo ra sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc hình thành liên kết giữa người dân và doanh nghiệp bước đầu góp phần tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Vụ đông xuân năm 2023, gia đình anh Hạng A Hồ, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) đã góp 5.000m2 đất ruộng tham gia mô hình sản xuất khoai tây trái vụ. Khi tham gia mô hình, gia đình đã được đơn vị liên kết là Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh hỗ trợ cây giống, phân vi sinh và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, đến khi khoai tây cho thu hoạch, sản phẩm được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà kết nối doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, trên cùng một diện tích canh tác, gia đình anh Hồ đã có nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Khoai tây, bí xanh, dứa… là những sản phẩm nông nghiệp đã được huyện Mường Chà tập trung triển khai và bước đầu xây dựng mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Thông qua các dự án liên kết, nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang các giống cây trồng cho nâng suất cao hơn và dần hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với một số hộ dân. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết được thực hiện đã góp phần giúp người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện đời sống và từng bước hiện thực hóa đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại địa phương.

Tham gia mô hình liên kết, người dân và doanh nghiệp cùng bắt tay phát triển sản xuất, nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Để có được nguồn nguyên liệu sạch, các đơn vị đã yêu cầu người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Thực hiện theo đúng phương châm đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế đã liên kết sản xuất cà phê bền vững với diện tích khoảng 2.000ha; trong đó có gần 800 hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng tham gia liên kết. Để chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, ngay từ giai đoạn khởi đầu, công ty chú trọng phát triển liên kết với người dân vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm cà phê.

Không chỉ hỗ trợ về giống, phân bón mà khi tham gia liên kết, người dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm; đó là một trong những kiến thức quan trọng cho người dân tham gia liên kết. Việc nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật sẽ góp phần không nhỏ vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong quá trình canh tác.

Triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, tỉnh Điện Biên đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Kết quả thực tế cho thấy một số vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp như: Lúa chất lượng cao ở huyện Ðiện Biên; cà phê Mường Ảng; chè Tủa Chùa, mắc ca Tuần Giáo; khoai tây, bí xanh, dứa Mường Chà… đã được hình thành và phát huy hiệu quả khá tích cực. Quan trọng hơn, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh từng bước khẳng định giá trị, chỗ đứng trên thị trường.

Từ những kết quả đã đạt được của mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện, thu hút nhà đầu tư, xây dựng cơ chế phù hợp để thúc đẩy liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi, đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đến với thị trường, nâng cao đời sống nhân dân từ sản xuất nông nghiệp.

Phạm Quang

Back To Top