ĐBP - Để răn đe và ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các vụ việc xâm phạm đến rừng. Việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, làm rõ các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp không chỉ góp phần xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, mà còn góp phần hạn chế, không để các sự việc tiếp diễn thành điểm nóng, nổi cộm phá rừng, khai thác và hủy hoại rừng trên địa bàn.
Ngày 26/3/2024, Tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông đã phối hợp với chính quyền xã Keo Lôm tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại khu vực bản Háng Lia (xã Keo Lôm). Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 8 vị trí phá rừng trái pháp luật thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 771. Trong đó, có 05 vụ phá rừng đã giao cho cộng đồng bản Háng Lia quản lý bảo vệ; 03 vụ phá rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND xã quản lý.
Qua kết quả kiểm tra, xác minh tại hiện trường xảy ra các vụ vi phạm, Tổ công tác Hạt Kiểm lâm phát hiện có 01 vụ phá rừng phòng hộ, diện tích 3.678m² đã vượt mức xử lý vi phạm hành chính. Đối tượng liên quan là ông Giàng A Pó (sinh năm 1976) ở bản Háng Lia. Lực lượng chức năng đã lập các hồ sơ kiểm tra hiện trường ban đầu đối với vụ phá rừng do ông Pó gây ra. Đến ngày 07/5/2024, Tổ công tác liên ngành gồm: Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, Viện KSND huyện, UBND xã Keo Lôm đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, các tài liệu hồ sơ liên quan. Trên cơ sở đó, Hạt Kiểm lâm huyện xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Hủy hoại rừng” đối với vụ phá rừng trái pháp luật do ông Giàng A Pó gây ra theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự.
Tương tự, ngày 29/4/2024, tại khu rừng bản Na Hay, xã Tìa Dình xảy ra 01 vụ cháy rừng diện tích lớn, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Nguyên nhân gây cháy rừng do ông Lò Văn Thên, bản Na Hay (xã Tìa Dình) đi đốt nương gây cháy lan vào rừng phòng hộ là rừng tự nhiên. Ngay sau khi nhận được tin báo, Hạt Kiểm lâm huyện đã thực hiện xác minh nguồn tin và thực hiện trình tự tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật. Từ các hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan vụ cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Hủy hoại rừng” đối với vụ cháy rừng do ông Thên gây ra.
Cả 2 vụ việc trên đều được Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông kiến nghị với các cơ quan tố tụng huyện xem xét, thống nhất để Hạt Kiểm lâm quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Hủy hoại rừng” theo quy định. Đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu, vật chứng liên quan đến Cơ quan CSĐT (Công an huyện Điện Biên Đông) để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Đó là 2 trong số 37 vụ vi phạm về lĩnh vực lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay. Cụ thể có 34 vụ phá rừng trái pháp luật, với tổng diện tích 101.964,37m2 rừng bị phá; 01 vụ cháy rừng (diện tích rừng bị cháy là 4,02ha); 01 vụ khai thác rừng trái pháp luật và 01 vụ tàng trữ lâm sản gỗ trái pháp luật. So với cùng kỳ năm 2023, tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện Điện Biên Đông tăng 26 vụ (9 tháng đầu năm 2023 xảy ra 11 vụ vi phạm).
Về kết quả xử lý các vụ việc, ông Lò Văn Tiềm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: Điện Biên Đông là huyện miền núi vùng cao, với tổng diện tích tự nhiên trên 120.686ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên là 31.937,97ha, rừng trồng là 159,67ha và 7,45ha rừng trồng chưa thành rừng. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn do đời sống kinh tế người dân phụ thuộc nhiều vào tập quán canh tác trên nương, trong khi ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân chưa cao… Vì vậy vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất, xử lý đốt dọn thực bì chưa đảm bảo có nguy cơ cháy lan vào rừng làm suy thoái tài nguyên rừng và môi trường sinh thái. Trước thực tế đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã xác lập hồ sơ, ban hành và tham mưu quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm 37/37 vụ. Trong đó có 03 vụ phá rừng thuộc thẩm quyền của UBND huyện; khởi tố 02 vụ chuyển Viện Kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra và 32 vụ thuộc thẩm quyền của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm. Qua xử lý các vụ việc, đơn vị đã tiến hành xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước trên 180 triệu đồng.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cũng nhấn mạnh, đặc biệt là từ khi thành lập huyện cho đến nay mới có 1 vụ cháy rừng và 1 vụ phá rừng xảy ra trong năm 2024 này bị đưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Hủy hoại rừng” trên địa bàn. Mặc dù không hề mong muốn điều đó xảy ra, song lực lượng kiểm lâm huyện, cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần phải kiên quyết xử lý như vậy để tạo ra sự răn đe, ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn…
Việc đưa các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp ra xét xử cũng góp phần quan trọng để răn đe đối với những cá nhân có hành vi vi phạm; đồng thời, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ rừng trong cộng đồng, người dân ngay từ cơ sở. Từ đó có thể khẳng định, bên cạnh sự chủ động và quyết tâm vào cuộc của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, việc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp không chỉ đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân để công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đạt hiệu quả cao.