Sớm an cư cho người dân vùng sạt lở

09:58 - Thứ Tư, 25/09/2024 Lượt xem: 3779 In bài viết

ĐBP - Mùa mưa bão năm nay, liên tiếp có những đợt mưa kéo dài gây lũ, ngập cục bộ, sạt lở đất đá nghiêm trọng làm ảnh hưởng nhiều nhà dân, đe dọa các khu dân cư; trong đó có hàng chục hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao. Do đó, di dời và ổn định cuộc sống cho các hộ dân vùng sạt lở là việc làm cấp thiết.

Sau vụ sạt lở đất, đá vào nhà 8 hộ dân tại khu vực Táng Quái thuộc địa phận bản Búng, xã Búng Lao giữa tháng 7/2024, vợ chồng chị Lò Thị Lại cùng 2 con (một cháu 9 tháng tuổi, một cháu học lớp 2) phải dọn sang ở nhờ nhà chị Lò Thị Xuân cách đó gần 100m.

Do đi ở nhờ nên việc học tập của con chị Lò Thị Lại, bản Búng, xã Búng Lao gặp nhiều bất tiện.

Chị Lò Thị Lại chia sẻ: Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản, sau khi được chính quyền xã vận động di dời, gia đình tôi đã chuyển về nhà ông bà ngoại ở xã Xuân Lao ở nhờ. Đến nay khi cháu lớn đi học lại chuyển về bên này và ở nhờ nhà chị Xuân. Gia đình chị Xuân có 7 người, nên sinh hoạt khá vất vả, đặc biệt gia đình có con nhỏ đêm hay khóc cũng ảnh hưởng đến mọi người. Dự định của nhà tôi sau khi hết cơn bão số 3, nắng lên sẽ chuyển về nhà nơi ở cũ. Mong muốn các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ hót đất đá sạt lở.

Gia đình anh Quàng Văn Tiến, bản Búng, xã Búng Lao là một trong số những hộ bị thiệt hại nặng nhất khi đất đá sạt vào nhà làm đổ tường, vùi lấp 1/3 diện tích nhà ở. Anh Tiến đã mượn tạm khu đất khoảng 50m2 của người thân gần bãi ruộng, dùng tre nứa dựng ngôi lán để gia đình 3 người ở tạm. Cuộc sống tạm rất nhiều khó khăn vất vả, điện, nước phải kéo nhờ, dùng nhờ của nhà hàng xóm trong bản.

“Hiện nay gia đình tôi đang đi mượn đất, dựng lán để ở tạm. Được chính quyền cấp đất, gia đình tôi sẽ làm nhà kiên cố để ổn định cuộc sống.” - Anh Tiến bày tỏ mong muốn.

Đất, đá sạt vào nhà khiến các hộ dân tại bản Búng, xã Búng Lao phải đi ở nhờ nhà người thân hoặc dựng lán ở tạm.

Ông Lò Văn Tiến, Trưởng bản Búng, xã Búng Lao cho biết: “Trong cuộc họp giao ban giữa các trưởng bản với UBND xã hồi tháng 8 vừa qua tôi đã có ý kiến xã cần có giải pháp ổn định chỗ ở hoặc bố trí tái định cư để các hộ gia đình sớm ổn định cuộc sống. Hiện nay sắp đến mùa gặt, liên quan đến việc thu hoạch, bảo quản thóc, gạo rồi việc ăn ở, học tập của các cháu hoc sinh.”

Đầu tháng 8/2024, gia đình bà Lù Thị Hoàn, bản Noong Háng, xã Ẳng Cang cũng bị đất đá trên đồi sau nhà sạt lở làm hư hỏng chuồng gà và một phần nhà ở. Gia đình bà Hoàn phải sang ở nhờ nhà người thân 3 hôm; đồng thời nhờ anh em, họ hàng di dời ngôi nhà ra khỏi vị trí sạt lở.

Bà Lù Thị Hoàn cho biết: “Hiện nay phía trên đồi vẫn còn 2 vết nứt ngang với chiều dài khoảng 20m, rộng từ 30cm - 50cm, đứt gẫy so với bề mặt ban đầu từ 50cm - 1m, bất cứ lúc nào cũng có thể trôi vào nhà.”

Khu vực đồi sau nhà bà Lù Thị Hoàn, bản Noong Háng, xã Ẳng Cang có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Được biết cấp ủy chính quyền các cấp huyện Mường Ảng đã chủ động, kịp thời huy động các lực lượng tại chỗ, các hội đoàn thể tuyên truyền vận động di dời người và tài sản của Nhân dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện nay việc bố trí tái định cư cho các hộ dân có nhà bị sạt lở và các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đang gặp khó khăn vì thiếu quỹ đất.

Bà Lường Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: “UBND xã đã tổng hợp số hộ bị ảnh hưởng và báo cáo, đề xuất lên huyện để có phương án khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất bố trí tái định cư của xã hầu như không còn. Chỉ còn một số điểm như khu Ta Cô thuộc bản Nà Dên và bản Pú Len nhưng lại không tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán”.

Chính quyền xã Búng Lao động viên các gia đình bị thiệt do mưa lũ, phải di dời nhà cửa.

Ông Trần Quang Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê toàn huyện có hơn 40 ngôi nhà dân bị ảnh hưởng do mưa, bão. Số bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có nguy cơ cao tập trung chủ yếu ở bản Búng, xã Búng Lao (8 hộ); bản Nặm Pọng, bản Nặm Chan 1, xã Mường Đăng (8 hộ với trên 50 nhân khẩu) và 70 hộ trên 200 nhân khẩu bản Lịch Nưa, xã Nặm Lịch. Hiện nay huyện đã di chuyển các hộ bị sạt lở, hộ có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Đối với các hộ ít có nguy cơ sạt lở hơn huyện đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động trồng cây, làm kè, đắp bao đất... vào khu vực ta luy có nguy cơ sạt lở. Thực hiện lấp ao, nhất là những hộ ở trên sườn đồi nhằm đảm bảo an toàn cho các gia đình ở khu vực thấp hơn. Huyện và UBND các xã đang khẩn trương rà soát quỹ đất thực hiện bố trí tái định cư cho các hộ dân.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top