Video

Du lịch Điện Biên hướng tới sản phẩm đa dạng, chất lượng

Thứ Năm, 06/06/2024 16:09 Lượt xem: 5073 In bài viết

ĐBP - Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 diễn ra xuyên suốt cả năm với nhiều hoạt động nổi bật; thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng đất lịch sử Điện Biên Phủ. Đặc biệt với sự thân thiện, hiếu khách của người Điện Biên tiếp đón du khách gần xa và lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp về Điện Biên. Cùng với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, nhất là những sản phẩm mang nét đặc trưng, độc đáo riêng, là cơ hội lớn để sản phẩm đặc sản của Điện Biên tiếp cận gần hơn du khách mọi miền.

Du lịch Điện Biên luôn trân trọng, đón chào bạn bè, du khách gần xa tới tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm mảnh đất, con người Điện Biên với những sản phẩm đa dạng, chất lượng.

Những chiếc khăn thổ cẩm độc đáo của HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) luôn thu hút được sự quan tâm của người dân và du khách. Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Lào, bản Na Sang 2 đã xuất hiện, giới thiệu tại các gian hàng hội chợ trong và ngoài tỉnh. Từ mảnh vải thổ cẩm, người phụ nữ dân tộc Lào đã làm ra các sản phẩm, như: Trang phục, vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn... không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình mà còn được nhiều người dân và du khách tìm mua, sử dụng. Sợi vải được xe sợi, dệt thủ công với hình ảnh hoa văn sắc nét tạo nên mảnh vải độc đáo, chất lượng. Với sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống với hiện đại, các sản phẩm thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang 2 ngày càng đa dạng mẫu mã và được nhiều người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng.

Bên cạnh việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với sắc màu văn hóa của các dân tộc, tỉnh Điện Biên đã và đang quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao: Cà phê, chè, gạo… từng bước xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Cà phê Mường Ảng là một trong những sản phẩm được quan tâm, đầu tư nâng cao chất lượng cũng như đẩy mạnh phát triển nhãn hiệu, thương hiệu để trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Điện Biên. Để tạo điều kiện cho sản phẩm cà phê Mường Ảng có chỗ đứng trên thị trường, cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng luôn đồng hành, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp, HTX có cơ hội tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng. Sản phẩm cà phê Mường Ảng đã được giới thiệu tại các hội chợ trong Nam, ngoài Bắc; đặc biệt cà phê Mường Ảng đã phục vụ đại biểu Quốc hội và được đánh giá cao về hương vị, chất lượng. Nhờ vậy, sản phẩm cà phê Mường Ảng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng được bày bán tại các điểm du lịch, sự kiện, hội chợ thương mại; tạo ấn tượng khó quên cho du khách khi thưởng thức.

Không chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các kênh hội chợ, sự kiện thương mại, một số cửa hàng, shop quà tặng cũng muốn đưa các sản phẩm đặc trưng của Điện Biên vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây là các mặt hàng thực phẩm cũng như đồ lưu niệm được bày bán tại Shop đặc sản Điện Biên – Quà Tây Bắc. Các sản phẩm đặc sản của các địa phương trong tỉnh như: Gạo, miến, chè, thịt khô, hạt mắc ca, hàng dược liệu… đều giới thiệu tại cửa hàng. Giờ đây, cửa hàng đã trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua của nhiều đoàn khách du lịch. Không chỉ thu hút du khách bởi các sản phẩm đặc sản, mang đặc trưng vùng miền, sản phẩm OCOP, mà các sản phẩm tại cửa hàng còn có nguồn gốc rõ ràng, sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, VietGAP, áp dụng khoa học công nghệ khiến người tiêu dùng càng thêm yên tâm khi sử dụng.

Cùng với các sản phẩm nông, lâm nghiệp đặc sản, tỉnh Điện Biên cũng định hướng phát triển các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm theo hướng chất lượng, chuyên nghiệp, độc đáo, mang bản sắc riêng nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của Điện Biên đến với du khách. Các gian hàng bày bán sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm tại điểm di tích như: Đồi A1, hầm Đờ-cát, Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng... gồm có: Mũ, quần áo, khăn thổ cẩm, đồ mây tre đan, các mô hình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, dược liệu… đã thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan, mua sắm.

Điện Biên có một nền văn hóa đa dân tộc có ý nghĩa lớn đối với phát triển du lịch. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng về phong tục, tập quán, trang phục, nhạc cụ hay cả những món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa vùng cao Tây Bắc... Các sản phẩm đặc trưng có thể phát triển thành quà lưu niệm; góp phần quảng bá du lịch Điện Biên. Đó là tiềm năng lợi thế mà du lịch Điện Biên cần quan tâm khai thác, tăng cường quảng bá, khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo; đưa hình ảnh du lịch Điện Biên lan tỏa rộng khắp thông qua đặc sản và quà lưu niệm.

Du lịch Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe song cần có quy hoạch, kế hoạch khai thác bài bản, tạo sản phẩm chất lượng làm nên thương hiệu Điện Biên. Việc quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch Điện Biên cũng cần sự quan tâm của  cơ quan quản lý nhà nước trong liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương và người dân, tạo ấn tượng tốt đẹp, thu hút du khách đến với Điện Biên. Mong rằng, thời gian tới, các cấp, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ người dân, doanh nghiệp, HTX để họ hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng sản phẩm hàng hóa đa dạng, chất lượng và an toàn. Thông qua đó giúp cho các sản phẩm nông sản, đồ lưu niệm của tỉnh khẳng định vị thế trên thị trường cũng như  quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Điện Biên đến với du khách trong và ngoài nước.

Phạm Quang – Thu Hằng

Back To Top