Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng trong tình hình mới

10:25 - Thứ Tư, 19/07/2023 Lượt xem: 5699 In bài viết

Ngày 19-7-2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 2728/QĐ-BQP thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) của Bộ Quốc phòng về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; phòng, chống tham nhũng; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (gọi tắt là BCĐ 1389/BQP). Tiếp đó, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội cũng thành lập BCĐ 1389 ở cấp mình hoặc giao cho cơ quan chức năng chủ trì tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy, chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các mặt công tác 1389 tại đơn vị.

Trong 9 năm qua, BCĐ 1389/BQP thường xuyên bám sát các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của cấp trên và nhiệm vụ Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; kịp thời chỉ đạo và thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác 1389, góp phần quan trọng giúp Quân đội hoàn thành nhiệm vụ. Công tác 1389 trực tiếp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới...; được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ về phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) đánh giá cao.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng trao thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 6 tháng đầu năm 2023 về công tác tư pháp, thanh tra, pháp chế, kiểm toán và công tác 1389. Ảnh: C.T.V 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của BCĐ 1389/BQP đã phát sinh một số khó khăn, bất cập; thực tế cũng đang đặt ra nhiều yêu cầu và nhiệm vụ mới cần nghiên cứu kiện toàn, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của BCĐ 1389/BQP; xây quy chế hoạt động của BCĐ thay thế các quy định cũ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các mặt công tác 1389 trong Quân đội. Cụ thể, một số cơ sở và nội dung cần nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy định trong tổ chức, hoạt động của BCĐ 1389/BQP như sau:

Một là, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 138/CP, BCĐ 389 quốc gia đã ban hành nhiều văn bản điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các BCĐ này. Trong đó, nhiều nội dung mới được bổ sung với những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn, cụ thể hơn đối với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trong tổ chức triển khai và phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, theo quy định hiện hành, BCĐ 1389/BQP có 19 thành viên, trong đó 6 đồng chí là Phó trưởng ban. Thực tế, các hoạt động của BCĐ chủ yếu do đồng chí Trưởng ban-Thứ trưởng BQP chỉ đạo, điều hành; một số đồng chí Phó trưởng ban do bận công tác ở cơ quan, đơn vị nên nhiều cuộc họp của BCĐ phải cử người khác dự thay. Các đồng chí Phó trưởng ban là thủ trưởng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển kiêm nhiệm chủ yếu tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách, còn việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của BCĐ đối với các cơ quan, đơn vị khác gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ huy một số cơ quan (cơ yếu, quân huấn, nhà trường) kiêm nhiệm là thành viên BCĐ 1389/BQP nhưng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị này ít liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của BCĐ nên hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất cũng như trong hoạt động triển khai và phối hợp thực thi nhiệm vụ của công tác 1389 còn hạn chế.

Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng và Báo Quân đội nhân dân ký kết quy chế phối hợp công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Ba là, công tác 1389 trong Quân đội gồm rất nhiều nhiệm vụ trên nhiều mặt công tác, thủ trưởng Bộ Quốc phòng-Trưởng BCĐ khi chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ hoặc kiểm tra, đánh giá kết quả công tác 1389 đối với các đơn vị sẽ kết hợp kiểm tra nhiều nội dung để bao quát toàn diện đặc điểm tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số nội dung trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thành viên BCĐ không còn phù hợp để phục vụ tốt những cuộc kiểm tra của Trưởng BCĐ, có nội dung chưa được quy định cụ thể trong Quy chế hoạt động của BCĐ, chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, dẫn đến quá trình thực hiện có lúc còn bị động, không toàn diện, gây khó khăn cho đơn vị được kiểm tra.

Đoàn công tác Vụ Pháp chế Bộ Quốc Phòng Khảo Sát Công Tác Phổ Biến, Giáo Dục Pháp Luật Của Bộ Đội Biên Phòng Tỉnh Lai Châu.

Bốn là, Quy chế hoạt động của BCĐ 1389/BQP chưa quy định thẩm quyền, thủ tục, mức khen thưởng của Trưởng BCĐ đối với các tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ khi có thành tích đặc biệt xuất sắc. Cơ chế khen thưởng vẫn thực hiện theo quy định chung, chưa có đột phá; phải làm nhiều thủ tục và trải qua nhiều cấp xét duyệt dẫn đến mất tính thời sự, không kịp thời cổ vũ, động viên đối tượng có thành tích đột xuất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại...

Năm là, hiện nay, một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp và có đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực để nắm, dự báo sớm tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại... nhưng các đơn vị này chưa phải là thành phần của BCĐ nên hoạt động phối hợp và cung cấp thông tin, tình hình bị hạn chế. Thực tế cũng cho thấy, vi phạm pháp luật và tội phạm diễn ra trên không gian mạng ngày càng nhiều, tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp nên cần bổ sung cán bộ tác chiến không gian mạng vào thành phần của BCĐ.

Việc kiện toàn, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của BCĐ 1389/BQP để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên là rất cần thiết, bảo đảm phù hợp với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ, giúp BCĐ tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác 1389. Theo đó, cần nghiên cứu đưa những cơ quan, đơn vị thực sự cần thiết, có chức năng, nhiệm vụ phù hợp vào thành phần BCĐ, nhất là cơ quan có khả năng nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin từ sớm, từ xa, từ đó tham mưu, đề xuất nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; bổ sung Vụ Pháp chế BQP với vai trò là Cơ quan Thường trực của BCĐ, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan thường trực (Cục Điều tra hình sự, Thanh tra Bộ Quốc phòng) và các cơ quan thành viên BCĐ tham mưu, đề xuất, giúp đồng chí Trưởng ban và BCĐ triển khai các nhiệm vụ, các mặt công tác. Ngoài ra, cần bổ sung các quy định cụ thể liên quan đến công tác phối hợp trong lập dự toán kinh phí bảo đảm cho các mặt hoạt động của BCĐ, cơ quan thường trực, cơ quan thành viên BCĐ và các cơ quan, đơn vị có liên quan... Sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ và công tác 1389 của Quân đội trong tình hình mới. 

Theo qdnd.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top