Video

Sáng mãi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

Thứ Sáu, 26/07/2024 07:38 Lượt xem: 10747 In bài viết

ĐBP- Những ngày tháng 7, truyền thống đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc lại được bồi đắp và thắp sáng với những hoạt động tri ân, chăm lo người có công với nước, gia đình chính sách. Trên địa bàn tỉnh, nhiều hoạt động tri ân gia đình chính sách và người có công với cách mạng được thực hiện với những hình thức phù hợp, thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Ngay từ những ngày đầu tháng 7, dòng người từ khắp mọi miền đất nước lại hướng về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh để dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã anh dũng ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nghĩa trang liệt sĩ A1 là một trong những điểm đến tri ân của người dân và du khách thập phương trong dịp 27/7 năm nay. Cũng như mọi năm, tháng 7 gia đình anh Đỗ Công Tuấn, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ đến Nghĩa trang liệt sĩ A1 dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Thắp nén hương thơm lên từng phần mộ, vợ chồng và 2 con anh Tuấn vô cùng xúc động, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Để tưởng nhớ, tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, đoàn viên thanh niên Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa. Trên những phần mộ liệt sĩ, các bạn trẻ thành kính thắp nén nhang thơm, thay những đóa hoa mới thể hiện sự tri ân và lòng biết ơn với những cống hiến lớn lao, không tiếc máu xương của thế hệ cha ông. Cùng với các hoạt động thăm hỏi động viên, tặng quà gia đình chính sách, đoàn viên thanh niên trong Khối đã góp phần khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang quản lý trên 16.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Mỗi năm vào dịp 27/7, các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được triển khai với nhiều hình thức nhằm chăm lo tốt hơn gia đình chính sách, người có công. Lãnh đạo tỉnh chia thành nhiều đoàn tới thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình chính sách, thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Lời thăm hỏi ân cần với mỗi gia đình cũng là sự động viên, khích lệ để các thương bệnh binh, gia đình chính sách vượt khó vươn lên.

Năm 2024 là một năm đặc biệt đối với tỉnh Điện Biên khi rất nhiều sự kiện trọng đại được diễn ra, tổ chức; lớn nhất, đặc biệt nhất là Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Vì vậy, các hoạt động tri ân càng trở nên thiết thực hơn, thể hiện tình cảm, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đó đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, đặc biệt là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn quan tâm thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những hoạt động thiết thực; chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các đối tượng chính sách và người có công. Chăm lo, tri ân các gia đình chính sách người có công với cách mạng, ngoài việc chi trả đúng quy định cho các đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng, dịp 27/7 năm nay, tỉnh Điện Biên đã dành kinh phí trên 1 tỷ đồng thăm hỏi, tri ân, tặng quà các gia đình chính sách, người có công. Ngoài ra, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ làm nhà cho nhiều gia đình chính sách để không ai phải sống trong nhà tạm dột nát… Những việc làm thiết thực đó đã góp phần động viên về tinh thần, chăm lo đời sống cho các thương, bệnh binh và gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh từng bước ổn định cuộc sống.

Tri ân và quan tâm, chăm sóc gia đình chính sách, người có công không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, mà còn thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc về lòng biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Những ngày tháng 7, các hoạt động tri ân càng trở nên ý nghĩa, sâu đậm hơn; góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát đối với thế hệ đi trước - những người đã chiến đấu, hy sinh xương máu để đất nước ta có nền độc lập như ngày nay. Đây cũng là dịp để thế hệ hôm nay phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao của thế hệ cha ông và càng thêm trân quý giá trị của hòa bình, của thống nhất non sông như ngày nay.

Phạm Quang

Back To Top