Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí quốc gia về xây dựng Đảng

Tận hiến cho Đảng, cho dân (bài 2)

07:02 - Thứ Hai, 19/09/2022 Lượt xem: 4351 In bài viết

Bài 2: Những hạt nhân tiếp nối

ĐBP - Trải qua hơn 59 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (7/2/1963 - 7/2/2022), với tiền đề là lực lượng công an vũ trang Khu Tây Bắc, BĐBP Điện Biên đã lập nhiều chiến công hiển hách, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, giúp dân xóa đói, giảm nghèo... Với nhiều hạt nhân là cán bộ, đảng viên BĐBP tiếp nối qua các thời kỳ.

Bài 1: Lực lượng đa nhiệm vụ

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đọc sách báo, tìm hiểu lịch sử dân tộc, truyền thống của lực lượng.

Chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (thuộc địa phận xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé) một sáng đầu thu, nắng vàng trải nhẹ, lấp lánh trên những cánh sen còn đọng sương trước cổng Đồn. Nhắc đến Leng Su Sìn, dấu ấn của một người lính biên phòng, một đảng viên ưu tú, một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một thầy giáo, một liệt sĩ... lại hiện lên trong tiềm thức của nhiều đồng bào người Hà Nhì nơi đây cũng như các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên. Đó là Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ - người chiến sĩ quân hàm xanh đã dành trọn cuộc đời cho nhiệm vụ giữ vững vùng biên ải, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân nơi ngã ba biên giới.

Nói về công lao của Anh hùng Trần Văn Thọ, có nhiều câu chuyện đã trở thành huyền thoại, thường xuyên được người Hà Nhì ở Leng Su Sìn, Sín Thầu, Sen Thượng nhắc đến: 10 năm công tác tại Tây Bắc, sức khỏe yếu nhưng người lính Trần Văn Thọ vẫn tình nguyện đến “4 cùng” với đồng bào Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc. Ông đã bán chiếc áo bông duy nhất, cặp nhung hươu dự định làm quà cho mẹ già ở quê, dành dụm từng đồng phụ cấp để mua thóc giống, lưỡi cuốc, lưỡi cày; vượt 700km, đi bộ 10 ngày để mang tư liệu sản xuất đến giúp đỡ người Hà Nhì; vận động nhân dân rời núi cao, định cư ở vùng thấp để canh tác ruộng nước, xây dựng bản làng, trường học; đấu tranh chống phỉ, tiễu trừ biệt kích phản cách mạng... Trước năm 1959, hầu hết các xã biên giới ở Mường Tè (Mường Nhé hiện nay) đều chưa có chi bộ, đảng viên. Theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Khu ủy đã giao nhiệm vụ cho các cán bộ, đảng viên ở các đồn biên phòng giúp đỡ, bồi dưỡng cán bộ cốt cán xã để giới thiệu cho cấp ủy kiểm tra, xét duyệt, kết nạp Đảng, thành lập chi bộ cơ sở. Qua các cuộc vận động cách mạng, nhiều quần chúng ưu tú người dân tộc địa phương đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, trong đó Trần Văn Thọ là người trực tiếp giúp đỡ, bồi dưỡng 13 người trở thành đảng viên. Tháng 5/1961, Chi bộ Đảng đầu tiên của người Hà Nhì được thành lập, Huyện ủy Mường Tè chỉ định Trần Văn Thọ làm Bí thư của chi bộ này. Khi bản mới đã có cuộc sống ấm no hơn, chính quyền vững mạnh, nhân dân tin tưởng, một lòng theo Đảng thì Trần Văn Thọ lâm bệnh nặng và trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của nhân dân Hà Nhì. Ngày nay, tại địa điểm Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ hi sinh năm xưa, một khu tưởng niệm đã được xây dựng (đối diện Đồn Biên phòng Leng Su Sìn), nhằm ghi nhớ công ơn của Trần Văn Thọ và 29 liệt sĩ BĐBP, quân đội đã hi sinh vì mảnh đất cực Tây Mường Nhé.

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Hoàng Kim Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Leng Su Sìn cho biết: Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ là tấm gương tiên phong, hạt nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng cơ sở chính trị, vận động quần chúng, “3 bám, 4 cùng” tại biên giới của lực lượng BĐBP nói chung, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh nói riêng. Khu tưởng niệm Trần Văn Thọ và 29 liệt sĩ hiện là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho chúng tôi, các thế hệ đảng viên, đoàn viên BĐBP, sống, công tác, học tập, rèn luyện theo gương các anh.

Noi gương liệt sĩ Trần Văn Thọ, các thế hệ cán bộ, đảng viên BĐBP tỉnh đã tích cực học tập, rèn luyện, cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường cơ sở, vận động quần chúng địa bàn biên giới. Tiêu biểu như Trung tá Trần Đức Long, cán bộ biên phòng tăng cường xã 18 năm (từ năm 1999 - 2017) đến khi nghỉ hưu. Hay như hiện nay, điển hình là Thiếu tá Tô Hiến Quyên, cán bộ Đồn Biên phòng Si Pha Phìn, tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ).

Nhập ngũ năm 1998, Thiếu tá Quyên từng tham gia công tác tại các đơn vị: Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, Đội đặc nhiệm BĐBP tỉnh; rồi về Đội Vận động quần chúng của các Đồn Biên phòng: Nậm Kè, Sen Thượng. Từ năm 2015 đến nay, anh gắn bó với xã Phìn Hồ trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã. Dù ở bất cứ cương vị, nhiệm vụ nào, Thiếu tá Quyên cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp ủy, chỉ huy đơn vị; cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi địa bàn công tác ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình là quá trình 7 năm qua công tác tại xã Phìn Hồ, theo đánh giá của cấp ủy địa phương, với chức trách, nhiệm vụ được giao, Thiếu tá Tô Hiến Quyên đã góp sức củng cố tổ chức Đảng, bám sát cơ sở (hiện anh vẫn sinh hoạt Đảng tại Chi bộ bản Phìn Hồ), dành nhiều tâm huyết để làm thay đổi vùng đất khó.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Thiếu tá Tô Hiến Quyên tham gia vào nhiều lĩnh vực công tác tại cơ sở. Trước hết là xây dựng cơ sở chính trị, bản Phìn Hồ thời điểm năm 2017 chưa có chi bộ, cả bản chỉ có 2 đảng viên, hạ tầng giao thông, đời sống người dân khó khăn nhất xã Phìn Hồ. Với tâm huyết, trách nhiệm của mình, Thiếu tá Quyên đã tình nguyện phụ trách bản, theo dõi, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, tham mưu cho cấp ủy xem xét kết nạp thêm 4 đảng viên, quyết tâm “xóa” bản chưa có chi bộ. Chi bộ bản Phìn Hồ được thành lập và Bí thư Chi bộ đầu tiên chính là Tô Hiến Quyên. Thống kê của cấp ủy xã Phìn Hồ, từ khi được phân công về công tác, Thiếu tá Tô Hiến Quyên đã tham mưu cho Đảng ủy xã kết nạp mới 73 đảng viên, thành lập thêm 5 chi bộ, “xóa” 1 trạm y tế, 2 bản chưa có chi bộ. Cùng với đó là các lĩnh vực công tác khác như chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; tham mưu cho cấp ủy giúp dân bản phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi hiệu quả (đề xuất với Đảng ủy xã chọn 5 gia đình xây dựng mô hình điểm nuôi trâu vỗ béo), tư vấn các gia đình xây dựng chuồng trại bài bản, kết hợp trồng cỏ voi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi... Năm 2020, theo kế hoạch, Thiếu tá Tô Hiến Quyên sẽ luân chuyển sang xã khác phụ trách nhưng sự sâu sát, gắn bó, đóng góp nhiều cho tổ chức Đảng, chính quyền và đời sống nhân dân địa phương, Đảng ủy xã Phìn Hồ đã đề nghị với cấp trên, Chi ủy Đồn Biên phòng Si Pha Phìn giữ Tô Hiến Quyên ở lại, tiếp tục gắn bó với nhân dân Phìn Hồ...

Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ, Thiếu tá Tô Hiến Quyên - một người đã đi vào huyền thoại, một người hiện vẫn công tác, vẫn miệt mài cống hiến... Điểm chung của 2 cán bộ, đảng viên BĐBP sống cách nhau hơn nửa thế kỷ này là sự tận hiến, nỗ lực xây dựng cơ sở chính trị của Đảng, đóng góp công sức, trí tuệ vì sự bình yên của biên cương, vì cuộc sống ấm no của nhân dân biên giới. Đó là những hạt nhân trải dài, tô thắm thêm truyền thống anh hùng của lực lượng BĐBP Điện Biên.

Bài 3: Biên cương vững chãi

Bài, ảnh: Duy Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top