Chuyển biến tích cực trong phòng, chống tham nhũng

07:31 - Thứ Tư, 14/12/2022 Lượt xem: 4630 In bài viết

ĐBP - Năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các tổ chức, cá nhân và người dân. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả ở các cấp, các ngành, ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều vụ việc đã được phát hiện, xử lý nghiêm, từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và người dân.

Qua thanh tra, giám sát, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện. Trong ảnh: Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) giám sát dự án Trường THCS thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo).

Bước chuyển biến rõ nét là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực và quan tâm hơn đến việc thực hiện công tác PCTN. Trước hết là việc kịp thời triển khai và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và thời điểm. Các cơ quan, đơn vị đã triển khai và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về PCTN, như: Công khai, minh bạch trong hoạt động; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; công khai dân chủ trong công tác tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ công chức... Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác PCTN.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường và có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý kịp thời, đúng pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh PCTN. Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh phát sinh hành vi vi phạm pháp luật tham nhũng cấu thành tội phạm. Các đối tượng chủ yếu phạm tội về tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn, giả mạo giấy tờ trong công tác để trục lợi, chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng chủ yếu lợi dụng kẽ hở của pháp luật hoặc thiếu sự kiểm tra, giám sát để hoạt động phạm tội. Trong năm, số vụ việc, vụ án tham nhũng đã bị phát hiện tăng 4 vụ so với năm trước; việc xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng tăng 1 vụ.

Cụ thể, qua công tác thanh tra (119 cuộc), kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng đã phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã khởi tố 5 vụ với 13 bị can. Điển hình như vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” xảy ra tại Trung tâm Quản lý đất đai TP. Điện Biên Phủ, đã khởi tố 8 bị can bị, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo thành phố và các phòng ban chuyên môn trực thuộc thành phố.

Cùng với đó, nhiều vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và giao cơ quan điều tra thụ lý, như: Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo”; vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xảy ra tại TP. Điện Biên Phủ”; vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” xảy ra tại khu vực đèo Pha Đin thuộc xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo). Cùng với đó, một số vụ việc vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước được chuyển đến cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) để điều tra, xử lý.

Liên quan đến vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại khu vực đèo Pha Đin, cơ quan điều tra (Công an tỉnh) đã bắt bị can để tạm giam đối với Trần Duy Tuấn (SN 1982, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trần Mạnh Tuấn, có địa chỉ tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Theo kết quả điều tra, Tuấn đã vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản quy định tại Khoản 3, Điều 232 Bộ luật Hình sự. Theo đó, trong khoảng thời gian từ cuối tháng 4 đến ngày 13/7/2021, Tuấn đã đưa nhiều máy móc, phương tiện và thuê người dân khai thác trái phép 1.278 cây gỗ thông, có trữ lượng gần 800m3 trên diện tích 8,04ha rừng phòng hộ thuộc sở hữu của Nhà nước thuộc khoảnh 16, Tiểu khu 618, bản Hua Xa A, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo).

Thời gian qua, các vụ án tham nhũng, tiêu cực đều được chỉ đạo xử lý nghiêm, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát. Tổng số tiền thiệt hại do hành vi tham nhũng gần 16 tỷ đồng. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng tình, đồng thuận trong Nhân dân và toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đây là động lực to lớn để địa phương hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, từng bước đưa Điện Biên phát triển ổn định về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Theo đánh giá, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh vẫn có nguy cơ tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực. Những lĩnh vực, nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra trong thời gian tới cần tập trung các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh, như: Đất đai, đầu tư công, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ, giải phóng mặt bằng... Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm tham nhũng, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN; tăng cường kiểm tra nội bộ, tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thực hành tốt tiết kiệm, chống lãng phí, minh bạch ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, lập dự toán. Đồng thời, phát huy vai trò của toàn xã hội trong công tác PCTN, tiêu cực; khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận

Tin khác

Back To Top