Cần phân quyền trong giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

10:07 - Thứ Ba, 31/10/2023 Lượt xem: 3955 In bài viết

Các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ đều cho rằng, cần phân quyền nhiều hơn cho địa phương để tháo gỡ “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chiều 30-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu thảo luận.

Bảo đảm giải ngân hiệu quả theo tiến độ

Vấn đề chậm giải ngân vốn của cả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030) được nhiều đại biểu tập trung thảo luận.

Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Đoàn Thanh Hóa) nhận định, nguyên nhân là do còn tình trạng chậm phân bổ vốn, phân bổ không đúng đối tượng, việc giao vốn sự nghiệp bất cập. Tiến độ giải ngân vốn của 3 chương trình rất chậm, đến nay mới đạt được dưới 50%, đặc biệt là vốn sự nghiệp đạt rất thấp…

“Với những khó khăn cả về thể chế và về con người nếu không có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù, khả năng thực hiện mục tiêu cả giai đoạn 2021 -2025 rất khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình, đề nghị cần có nghị quyết đặc thù để phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư”, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, tỷ lệ đối ứng của các chương trình mục tiêu quốc gia còn cao, trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương còn hạn chế nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để bảo đảm đối ứng theo quy định. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ đối ứng đối với các tỉnh nhận hỗ trợ lớn từ ngân sách trung ương, để tỉnh có thể cân đối được nguồn vốn của địa phương mà không mất đi nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) thảo luận tại phiên họp.

Đối với việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) cho rằng, cần nhìn nhận lại câu chuyện về lồng ghép nguồn vốn cho phù hợp và toàn diện hơn. Trong đó, cần quan niệm rằng, vốn của chương trình chỉ là nguồn lực mang tính chất dẫn dắt có mục tiêu tập trung vào những vấn đề có trọng tâm, trọng điểm đang bức xúc, cần thiết nhất. Do vậy, cần có khâu xây dựng kế hoạch, thiết kế chương trình phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, sự tham gia của người dân.

Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến 31-12-2024. Đồng tình với kiến nghị này, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) cho biết, việc giải ngân nguồn vốn chậm là do vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ, nhất là quy định về đối tượng thụ hưởng nội dung hỗ trợ, quy trình thanh quyết toán. Thực tế, việc tổ chức triển khai cơ bản mới được triển khai; trong khi đó, nguồn vốn còn lại của chương trình chưa giải ngân được rất lớn.

Tuy nhiên, phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, chỉ nên kéo dài đến hết quý I-2024, nếu qua thời gian này vẫn chưa hoàn thành thì sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ; đại biểu cũng đề nghị chuyển nguồn vốn này sang cho nội dung khác, dự án khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề.

Phân quyền nhiều hơn cho địa phương

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Về tốc độ giải ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, có nhiều lý do chủ quan, khách quan dẫn đến giải ngân chậm, trong đó vấn đề lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp, còn vốn đầu tư công không khó khăn trong giải ngân. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội việc phân quyền nhiều hơn nữa cho địa phương trong giải ngân vốn sự nghiệp.

Phân tích những khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng và ba Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ. Ngoài ra, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún quá nhiều; cùng với đó là việc giao vốn chậm, nhỏ giọt...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất, trước mắt, trong Nghị quyết về giám sát, Quốc hội nên cho phép thí điểm trao quyền trọn gói cho cấp huyện được chủ động quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn từ các chương trình và giữa các chương trình với nhau; trong đó mỗi tỉnh chọn một hai huyện làm thí điểm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên thảo luận.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp khả thi. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh này, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải bảo đảm được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những kết quả đạt được hôm nay có thể chậm, chưa đạt được mục tiêu nhưng đó cũng là những cố gắng rất lớn của các địa phương khi mà nguồn lực hỗ trợ từ trung ương giảm gần một nửa nhưng mục tiêu đó không thay đổi. “Sự cố gắng của các địa phương là rất nhiều nhưng trong thời điểm hiện nay đã bắt đầu “đuối”", Bộ trưởng nói.

Về vấn đề phân cấp, phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tất cả các sửa đổi văn bản có liên quan đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực.

“Chính các đồng chí ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp các địa phương có thể giải quyết các vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong lồng ghép các chương trình ở cùng một cấp thẩm quyền”, Phó Thủ tướng nói và cho biết sắp tới, Chính phủ sẽ trình thí điểm mỗi tỉnh lựa chọn một địa phương cấp huyện để thí điểm trộn nguồn vốn của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu nguồn vốn sự nghiệp dùng không hết thì có thể chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng đây là giải pháp tháo gỡ “nút thắt” lớn trong vấn đề này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top