Luật phải phục vụ được nhân dân, bảo đảm lợi ích cao nhất của người dân

14:33 - Thứ Sáu, 10/11/2023 Lượt xem: 4812 In bài viết

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản trị xã hội, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Nhưng quan trọng hơn, việc xây dựng pháp luật phải phục vụ được nhân dân, làm sao nhân dân đồng tình ủng hộ, thực thi pháp luật, bảo đảm những quyền lợi, lợi ích cao nhất của người dân.

Cụ thể hoá các quan điểm của Đảng về bảo đảm TTATGT

Phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật TTATGT đường bộ, sáng 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trước đây chúng ta còn tranh luận có nên tách Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ hay không, giờ Quốc hội đã nhất trí việc này rồi, tuy nhiên vẫn có đại biểu còn băn khoăn.

Từ đó, Bộ trưởng dẫn Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, trong đó đề ra nhiệm vụ: "Tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm ANTT, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên".

Bộ trưởng Tô Lâm thảo luận tại tổ, sáng 10/11.

"Như vậy, trách nhiệm của Quốc hội là thể chế hoá quan điểm của Đảng và cụ thể hoá các quan điểm của Đảng về vấn đề bảo đảm TTATGT. Đây là vấn đề rất quan trọng, cũng là định hướng để nâng cao chất lượng của dự án luật", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là lần đầu tiên Bộ Công an xây dựng dự án luật này với những vấn đề cần phải quản lý nhà nước theo pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản trị xã hội, quản lý nhà nước về TTATGT. Nhưng quan trọng hơn, việc xây dựng pháp luật phải phục vụ được nhân dân, làm sao nhân dân đồng tình ủng hộ, thực thi pháp luật, bảo đảm những quyền lợi, lợi ích cao nhất của người dân.

"Phải nhấn mạnh lợi ích của nhân dân, tinh thần là để phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, để nhân dân hiểu được lợi ích của họ được bảo đảm, thu hút họ tự giác thực hiện" - Bộ trưởng chỉ rõ và cho biết, Ban soạn thảo thảo luận, quán triệt rất kỹ những vấn đề này, trong quá trình làm nếu không đảm bảo tinh thần đó thì phải chỉnh sửa. Chứ không phải chỉ định hướng một chiều, cơ quan quản lý nhà nước đặt ra phải thế này, thế kia...

Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao, trân trọng cảm ơn, tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, trong đó cơ bản là đồng tình, với nhiều phát hiện, đánh giá từ thực tiễn, kinh nghiệm địa phương và trao đổi với quốc tế... Thế giới cũng đưa ra những quy luật, ở đâu kinh tế phát triển thì ở đó những vấn đề về  TTATGT rất phức tạp. Ở ta cũng vâỵ, những vùng trọng điểm kinh tế, thủ đô, thành phố lớn, khu công nghiệp phát triển... thì xảy ra tắc đường, nhiều TNGT, và chúng ta cần có luật để điều chỉnh.

Minh bạch xe chính chủ, áp dụng công nghệ hiện đại để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo cũng rất quan tâm đến những người yếu thế, và trong thực tế chỉ đạo công tác lực lượng CSGT cũng rất quan tâm đến điều này. Những hình ảnh CSGT dắt cháu bé, cụ già qua đường, cấp cứu người bị nạn, đỡ đẻ, cứu người đuối nước... rất nhiều.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Ban soạn thảo cũng rất quan tâm đến những người yếu thế.

"Kinh nghiệm ở nhiều nước là kết hợp cả xe cấp cứu và xe cảnh sát, "giờ vàng" 30 phút để cấp cứu vô cùng quan trọng. 70% những người người bị bệnh tim mạch sống được khi cấp cứu trong "giờ vàng", trên xe cảnh sát có sẵn cả máy đo tim mạch, huyết áp, truyền ngay dữ liệu về bệnh viện. Thậm chí, cảnh sát còn biết nhà ông đó ở đâu, cần hỗ trợ gì, thông tin tiền sử bệnh tật như thế nào...", Bộ trưởng dẫn chứng và thông tin, trên thực tế, lực lượng CSGT cũng đáp ứng được yêu cầu này, hiện Bộ Công an đang tiến hành đào tạo, huấn luyện cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lực lượng CSGT những kiến thức cơ bản về y tế để phục vụ cho việc đó.

Bộ trưởng khẳng định phải minh bạch vấn đề xe chính chủ, nếu không rất khó ứng dụng khoa học công nghệ khi người sử dụng xe lại không phải chủ xe, "người đi xe thì không phạt mà phạt người đã bán xe lâu rồi", đồng thời xã hội không lành mạnh, "tài sản của người này lại người kia quản lý, chống tham ô, tham nhũng và kê khai tài sản rất vướng"...

"Trước đây, đăng ký xe theo xe, bán xe bán cả biển số. Giờ định danh rồi, đấu giá rồi thì anh có quyền giữ lại biển, đăng ký xe theo định danh cá nhân. Anh muốn biển này, biển kia theo nhà nước đấu giá thì anh mua, nhưng khi anh bán xe thì lập tức phải tháo biển ra, nếu không sẽ vi phạm", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin một số vấn đề liên quan đến chỉ huy giao thông hay việc áp dụng khoa học công nghệ vào điều khiển giao thông, bảo đảm TTATGT. Chẳng hạn, một số nước điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông phù hợp với xe ưu tiên thay vì nghe theo hiệu lệnh của người chỉ huy giao thông tại hiện trường; có nước áp dụng công nghệ nhận diện biển số xe rất tốt nên biển lạ, biển rởm không thể đi qua được vì hệ thống không mở.

"Phải áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng hiệu quả, giảm bớt nhiều "tiếng ong ve" về CSGT, bởi vì phạt không trực tiếp, không nhận tiền phạt, không ai tiếp xúc, giao dịch với ai, muốn tiêu cực cũng không tiêu cực được", Bộ trưởng lý giải và cho biết, Bộ Công an sẽ đánh giá hết các vấn đề, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật theo quy định...

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top