ĐBP - Xác định xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch là yếu tố then chốt trong thu hút đầu tư, những năm qua tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư; công khai, minh bạch các dự án, tối đa hóa các thuận lợi để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển nhanh với trọng tâm là TP. Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II, một trong những nhiệm vụ trọng yếu tỉnh cần thực hiện là huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 95 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự kiến nguồn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 39,8%; vốn doanh nghiệp Nhà nước chiếm 0,57%; vốn dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 47,09% và vốn huy động khác. Là tỉnh miền núi nghèo, giao thông đi lại khó khăn, để đạt mục tiêu này tỉnh Điện Biên xác định vấn đề mấu chốt là giải quyết tốt bài toán minh bạch trong thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.
Từ thực tiễn của địa phương, quan điểm chủ đạo, xuyên suốt của tỉnh là ưu tiên, tập trung thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trên các lĩnh vực, thế mạnh đặc thù của tỉnh theo định hướng phát triển bền vững, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp. Để thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp tiềm năng, cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai các giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nhất là tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thu hút đầu tư. Trong quá trình thực hiện đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các đơn vị có liên quan trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; kiên quyết xử lý các vi phạm trong thực hiện dự án đầu tư. Tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tích tụ ruộng đất, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư vào tỉnh.
Nông - lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực có thế mạnh, những năm qua tỉnh đã triển khai các giải pháp thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; trong đó chú trọng thu hút đầu tư trồng mắc ca. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án Phát triển cây mắc ca đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Cây mắc ca sẽ được tập trung trồng tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ; áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ đảm bảo đưa cây mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với phát triển hàng hóa.
Song song với chủ trương định hướng quy hoạch, Điện Biên đã quan tâm ưu đãi thuế, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, được Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp thuê để trồng cây mắc ca theo quy định của pháp luật… Với môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây mắc ca tại Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh đã điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với dự án trồng mắc ca phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đồng thời khuyến khích người dân phát triển mắc ca tập trung. Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 5 dự án trồng cây mắc ca với tổng mức đầu tư 4.730 tỷ đồng, quy mô thực hiện hơn 17.200ha, phấn đấu đến năm 2030 sẽ triển khai trồng được trên 120.000ha cây mắc ca.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền đã tạo môi trường đầu tư kinh doanh tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu và ký biên bản ghi nhớ đầu tư. Năm 2021, các nhà đầu tư, tập đoàn lớn như: Sun Group, FLC, Vingroup, Hải Phát, Flamingo… đã đến Điện Biên tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu, ký kết thỏa thuận hợp tác. UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong giới thiệu vị trí, địa điểm đầu tư và tiến hành lập quy hoạch chi tiết, lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án có tiềm năng, triển vọng, xây dựng được mối quan hệ tin cậy, mở ra bức tranh tươi sáng về đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến nay Sở đã triển khai thẩm định, tham mưu cho tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 25 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại, nông - lâm nghiệp, công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.546 tỷ đồng; thực hiện cấp giấy đăng ký chứng nhận đầu tư cho 10 dự án.
Theo ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thì môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố cốt lõi tạo niềm tin, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Do đó cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; chuyển từ tư duy “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp. Tập trung ưu tiên nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh lân cận; các trục giao thông động lực kết nối các vùng, khu vực tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Cùng với đó, tăng cường trao đổi, gặp gỡ giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn, sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án đầu tư.