Chính trịĐối ngoại

Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ

05:54 - Thứ Ba, 31/05/2022 Lượt xem: 11422 In bài viết

Chiều 30/5, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar nhân dịp sang thăm Việt Nam và đồng chủ trì Phiên tham khảo chính trị lần thứ 12 và đối thoại chiến lược lần thứ 9 giữa Bộ Ngoại giao hai nước từ ngày 29-31/5.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar nhân dịp sang thăm Việt Nam. (Ảnh: Báo Thế giới Việt Nam)

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chúc mừng Ấn Độ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; kiểm soát tốt dịch Covid-19 và đang từng bước phục hồi nền kinh tế.

Bộ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục cùng nhau thúc đẩy các trụ cột hợp tác quan trọng như: chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, văn hoá và giao lưu Nhân dân, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác du lịch trong bối cảnh hai nước đã mở cửa biên giới và đang tiến hành các hoạt động có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022).

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gửi lời mời Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishankar thăm Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ lần thứ 18 dự kiến vào nửa cuối năm 2022. 

Thứ trưởng Ngoại giao Saurabh Kumar cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Bộ Ngoại giao Việt Nam; khẳng định Ấn Độ luôn coi Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông”, đồng thời cam kết phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới. 

* Sáng cùng ngày, thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao hai nước, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar đã đồng chủ trì Phiên tham khảo chính trị lần thứ 12 và đối thoại chiến lược lần thứ 9 tại Hà Nội.

Tại các cuộc họp, hai bên đã trao đổi thẳng thắn và cởi mở về quan hệ hợp tác song phương, cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực hợp tác, điển hình là các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao gần đây, trong đó có cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (tháng 4/2022) và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ (tháng 4/2022).

Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ quốc phòng-an ninh tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả; kim ngạch thương mại song phương đã đạt 13,2 tỷ USD trong năm 2021, tăng 36% so với năm 2020, và đang trên đà hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD.  

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ đề nghị hai bên phối hợp chuẩn bị tốt cho các chuyến thăm cấp cao và các cơ chế hợp tác trong thời gian tới; đánh giá cao sự hỗ trợ của Ấn Độ về trang thiết bị y tế cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine đã góp phần giúp Việt Nam vượt qua đại dịch; đề nghị Ấn Độ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại song phương, tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như dầu khí, công nghiệp phụ trợ ô-tô, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. 

Thứ trưởng Saurabh Kumar nhấn mạnh truyền thống quan hệ lâu đời, gắn bó về văn hóa và lịch sử giữa hai dân tộc; khẳng định Ấn Độ luôn coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam; nhất trí phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam cùng triển khai các hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, trong đó có việc dựng tượng các vị lãnh tụ, khai trương biểu trưng (logo) chung, khai trương đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của hai nước nhằm tăng cường hợp tác du lịch và giao lưu Nhân dân trong bối cảnh hậu đại dịch.

Hai bên bày tỏ hài lòng và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc và trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ. Về Biển Đông, hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc gìn giữ hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia và quyền tự do hàng không, hàng hải.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top