Tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường

09:35 - Thứ Tư, 06/01/2021 Lượt xem: 6101 In bài viết

ĐBP - Mỗi câu hỏi tương tác được đặt ra, hàng loạt cánh tay đưa lên cùng tiếng xôn xao “Cô ơi, em!”, “Cô ơi, em!”. Ðó là hình ảnh của những buổi tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường (BLHÐ) được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTB&XH) TP. Ðiện Biên Phủ phối hợp cùng các trường THCS trên địa bàn tổ chức.

Học sinh Trường THCS Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) hào hứng giơ tay xung phong trả lời câu hỏi về phòng, chống BLHÐ.

Sáng ngày cuối năm tại Trường THCS Thanh Bình, 281 học sinh các khối lớp hào hứng tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa “Tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy và BLHД. Các em chăm chú nghe giảng thế nào là BLHÐ, tác hại của BLHÐ, tại sao phải ngăn chặn BLHÐ, hướng dẫn phòng ngừa và ứng phó với BLHÐ với những câu chuyện thực tế, thu hút. Sau phần tóm tắt nhanh lý thuyết, phần lớn thời gian dành cho tương tác, trả lời câu hỏi, giải đáp tình huống với phần thưởng kèm theo. Các câu hỏi vừa giúp các em nhớ kiến thức lâu, vừa gợi mở cho các em các cách xử lý, giải quyết tình huống khi chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của BLHÐ. Trả lời câu hỏi của giáo viên “bản thân em đã chứng kiến vụ việc BLHÐ nào chưa”, em Trịnh Duy Thái, lớp 7B1 cho biết: “Em đã từng chứng kiến bạn bị bắt nạt, đánh. Em rất sợ và bị ám ảnh”. Giáo viên hướng dẫn do Phòng LÐTB&XH thành phố mời đã động viên và hướng dẫn em cách xử lý khi gặp tình huống tương tự. Qua buổi sinh hoạt, Thái đã có được kỹ năng để phòng tránh BLHÐ. Em chia sẻ: “Nếu gặp bạn bị đánh em sẽ tìm sự giúp đỡ của người lớn ở nơi gần nhất. Trong trường hợp em là người bị bắt nạt, nếu không thể giải quyết bằng lời nói, em sẽ tìm cách thu hút sự chú ý và giúp đỡ của người dân xung quanh, sau đó báo với giáo viên và bố mẹ”. Em Sùng Y Na, lớp 8C2 cũng cho biết: “Qua buổi ngoại khóa này em hiểu biết nhiều hơn về BLHÐ, biết cách phòng, chống, ngăn chặn BLHÐ không xảy ra với mình và bạn bè. Ðây là buổi học rất hữu ích, cần thiết cho chúng em”.

Trường THCS Thanh Bình là 1 ngôi trường đặc biệt, đón 32 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt của Trung tâm Bảo trợ xã hội theo học. Bởi vậy, nguy cơ phân biệt, bắt nạt bạn học, BLHÐ có thể xảy ra. Tuy nhiên nhờ chủ động tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, tạo môi trường học tập, giao lưu bình đẳng mà trường không ghi nhận vụ việc BLHÐ nào. Bà Bùi Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay từ đầu năm học, Trường đã xây dựng kế hoạch phòng chống BLHÐ, triển khai đến cán bộ giáo viên và học sinh quy chế văn hóa học đường, quy tắc ứng xử cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Ðầu năm tuyên truyền, học sinh ký cam kết thực hiện nội quy nhà trường, trường học an toàn, phòng chống BLHÐ. Ðồng thời tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa bồi dưỡng các kỹ năng sống, tự bảo vệ, giao tiếp ứng xử... cho các em. Mỗi hoạt động tập thể đều tạo môi trường bình đẳng, không phân biệt đối xử cho các em phát huy khả năng, thế mạnh của mình. Thậm chí các em học sinh của Trung tâm còn nổi trội hơn nhiều học sinh khác trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao”.

Hoạt động tuyên truyền phòng ngừa BLHÐ được Phòng LÐTB&XH thành phố phối hợp tổ chức tại 4 trường trên địa bàn, bao gồm: Trường THCS Mường Thanh, THCS Nà Nhạn, THCS Thanh Bình và THCS Võ Nguyên Giáp, diễn ra từ 28/12/2020 - 4/1/2021. Qua đó nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống BLHÐ cho cán bộ, giáo viên và gần 2.000 học sinh bậc THCS. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng LÐTB&XH TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: BLHÐ đang trở thành vấn đề nóng ở nhiều địa bàn trong cả nước, được xã hội quan tâm, theo dõi. Vì vậy nội dung tuyên truyền năm nay, chúng tôi lựa chọn chủ đề này nhằm góp phần phòng ngừa bạo lực đối với trẻ em, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong giai đoạn hiện nay.

Học sinh THCS, THPT đang trong độ tuổi phát triển, hiếu động rất dễ xảy ra những hành động xô xát, bạo lực nên không chỉ ngành LÐTB&XH mà các trường trên địa bàn đều đã và đang triển khai các giải pháp ngăn chặn, giảm BLHÐ. Nhà trường tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, BLHÐ. Ngoài ra các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, phụ huynh để quản lý học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện nói không với BLHÐ.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top