Sơ suất nhỏ cũng có thể thành “bão mạng” khiến thầy, cô giáo e dè

10:55 - Thứ Sáu, 27/10/2023 Lượt xem: 5300 In bài viết

Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và mạng xã hội, mỗi hành vi của thầy, cô giáo dù chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể trở thành "cơn bão" trên mạng xã hội.

Chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại tọa đàm "Trường học hạnh phúc", do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Hỗ trợ và phát triển trường học hạnh phúc tại Việt Nam vừa tổ chức, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Hà Nội xây dựng bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc.

Theo ông Vũ Minh Đức, trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và mạng xã hội, mỗi hành vi của thầy, cô giáo dù chỉ sơ suất rất nhỏ nhưng cũng có thể trở thành cơn bão trên mạng xã hội. Điều đó khiến các thầy cô e dè, không dám bộc lộ cảm xúc thực sự.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”. Sau đó, một số tỉnh, thành phố, trường học đưa hoạt động này trở thành phong trào thi đua với nhiều tiêu chí, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng.

Tuy nhiên, để hoạt động này thực sự hiệu quả, cần xuất phát từ nhu cầu tự thân của các nhà trường và giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương, nhà trường bảo đảm giá trị cốt lõi của mô hình này.

Chia sẻ này của ông Vũ Minh Đức nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo. Nhiều thầy, cô giáo bày tỏ, họ đã và đang nỗ lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao cộng với mong muốn của phụ huynh học sinh. Công việc càng áp lực thì việc để xảy ra sơ suất nhỏ là khó tránh khỏi. Mong muốn chung của đội ngũ nhà giáo là nhận được sự chia sẻ, đồng hành trách nhiệm để cùng hướng tới mục tiêu cao nhất là vì quyền lợi của học sinh.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) cho rằng, những hành vi chưa chuẩn mực của một vài nhà giáo cần lên án, song cần nhận thức rõ rằng, đó chỉ là hành vi cá biệt. Dư luận và phụ huynh học sinh cần có cái nhìn bao dung, toàn diện hơn về những cố gắng của nhà giáo và thể hiện trách nhiệm đồng hành trong quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh.

Tại Hà Nội, nhằm tạo môi trường an toàn, thân thiện, hạn chế tối đa những hiện tượng thiếu chuẩn mực nhà giáo và các hành vi chưa đẹp trong trường học khiến dư luận bức xúc, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc”. Hiện nay, tiêu chí này ở cấp học mầm non đã được hoàn thiện, gồm 3 tiêu chí: Môi trường nhà trường; hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Tương ứng với mỗi tiêu chí lại có các nội dung cụ thể để đơn vị, cá nhân phấn đấu, tự hoàn thiện mình về phẩm chất, chuyên môn và kỹ năng. Đáng chú ý, một trong những nội dung quan trọng của bộ tiêu chí là cán bộ, giáo viên, nhân viên phải làm gương cho học sinh và biết quản lý cảm xúc tiêu cực.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top