Đội Quản lý thị trường số 2 tăng cường xử lý vi phạm

08:20 - Thứ Hai, 25/07/2022 Lượt xem: 2183 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (Cục QLTT Điện Biên) phụ trách 3 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng và Tủa Chùa; địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nhất là các xã vùng cao; trong khi đó, lực lượng mỏng, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Trước thực trạng đó, Đội tăng cường công tác bám nắm cơ sở, kiểm tra, kiểm soát thị trường nâng cao chất lượng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh địa bàn quản lý.

Ông Văn Thiện, Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết: Thời gian qua, Đội QLTT số 2 đã bám sát nội dung các kế hoạch của Cục QLTT Điện Biên và các văn bản chỉ đạo của cấp trên, triển khai thực hiện quản lý địa bàn, kiểm soát thị trường, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ; thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin để lập phương án kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa; giám sát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thực hiện các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhờ đó, góp phần giữ vững ổn định thị trường trên địa bàn các huyện, không để xảy ra điểm nóng, các vấn đề nổi cộm. Trước những khó khăn trên, Đội đã bố trí cán bộ kiểm tra nắm tình hình thị trường và kiểm tra theo các kế hoạch chuyên đề và định kỳ; bố trí cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo, thông tin và truyền thông và tham gia kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. 6 tháng đầu năm, Đội QLTT số 2 đã kiểm tra các hành vi vi phạm trong các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, xử lý 46 vụ/125 vụ. Vi phạm ở mức độ, quy mô không lớn, chủ yếu là nhỏ lẻ. Các lĩnh vực vi phạm chủ yếu, cụ thể như: Lĩnh vực xăng dầu, khí dầu mỏ hỏa lỏng (kiểm tra 4 vụ không xử lý), lĩnh vực kinh doanh sản phẩm thuốc lá (kiểm tra 8 vụ, xử lý vi phạm 7 vụ, nộp ngân sách Nhà nước 14 triệu đồng); lĩnh thực kinh doanh lương thực, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương (kiểm tra 69 vụ, xử lý vi phạm 27 vụ, nộp ngân sách Nhà nước 19,6 triệu đồng); lĩnh vực kinh doanh điện tử, hàng may mặc và các mặt hàng khác (kiểm tra 23 vụ, xử lý vi phạm 12 vụ, nộp ngân sách Nhà nước trên 10 triệu đồng)… Ngoài ra, thực hiện nhập, đóng hồ sơ kiểm tra, xử phạt trên hệ thống INS đúng thời gian và quy trình, dữ liệu nhập trên hệ thống INS khớp với dữ liệu thực tế trên hồ sơ vụ việc của Đội; với 125 vụ kiểm tra, xử phạt 46 vụ, nộp ngân sách Nhà nước hơn 43 triệu đồng.

Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tại địa bàn 3 huyện Đội QLTT số 2 còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nội dung tuyên truyền chủ yếu là phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong kinh doanh thương mại. Đội thường xuyên vận động thương nhân ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Kết quả, Đội QLTT số 2 đã vận động 302 cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Dự báo thời gian tới, nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân có chiều hướng tăng cao. Đây là thời điểm tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý có diễn biến phức tạp. Do vậy, Đội tập trung kiểm tra về giá như: Niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, việc đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; rượu, bia, nước giải khát, gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Đặc biệt, là kiểm tra phối hợp liên ngành trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý địa bàn, nắm chắc tình hình thị trường giá cả hàng hóa để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời.

Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top