Tăng cường quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản

08:35 - Thứ Tư, 17/08/2022 Lượt xem: 2922 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 5 loại khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác cho 25 doanh nghiệp với 32 điểm mỏ khoáng sản. Trong đó, 20 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được phép khai thác trên 18 triệu mét khối; 7 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được cấp phép là trên 350.000m3 và một số điểm mỏ khác khai thác đá vôi, chì kẽm và than.

Mỏ vàng bản Háng Trợ (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) hiện nay đã được kiểm tra nghiệm thu và đóng cửa. Trong ảnh: Hiện trường còn lại của mỏ vàng Háng Trợ.

Thời gian qua, đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản sau khi có đầy đủ các căn cứ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản, kiên quyết không phê duyệt những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu có tác động lớn hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường. 6 tháng đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh phê duyệt truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với 2 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 1 vị trí khai thác đất làm nguyên liệu sản xuất gạch và 2 vị trí đăng ký khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường; phê duyệt trữ lượng đối với 2 điểm mỏ khai thác đá và than. Ngoài ra, đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 14 khu vực điểm mỏ trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông và Mường Chà (đã được UBND tỉnh phê duyệt) và thực hiện đấu giá thành công 13/14 điểm mỏ.

Nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, quản lý Nhà nước duy trì kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đơn cử như ngay sau khi phát hiện Công ty Cổ phần Thịnh Vượng (phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) khai thác khoáng sản ngoài khu vực được cấp phép, Sở đã kiểm tra xác định vi phạm và tiến hành xử phạt hành chính số tiền 400 triệu đồng; đồng thời yêu cầu di chuyển toàn bộ thiết bị, máy móc ra khỏi khu vực. Cùng với đó, Sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động quần chúng nhân dân cung cấp thông tin về việc vi phạm pháp luật về khai thác, chế biến, vận chuyển và sử dụng khoáng sản trái phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan đặc biệt chú trọng việc kiểm tra đột xuất đối với các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng hết thời hạn trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra nghiệm thu kết quả thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng bản Háng Trợ (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông); kiểm tra thực địa khu vực đăng ký khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình Thủy điện Mường Tùng (huyện Mường Chà) và dự án xây dựng công trình hồ Huổi Trạng Tai (huyện Điện Biên); điểm mỏ xin chuyển nhượng quyền khai thác đá cát kết làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Sen Thượng (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé).

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top