Góc nhìn tiêu điểm

Công bằng cho người mua

07:50 - Thứ Bảy, 20/08/2022 Lượt xem: 3258 In bài viết

ĐBP - Ngày cuối tuần mấy gia đình chúng tôi chung nhau mổ thịt con lợn mua được với giá “hữu nghị” từ một đơn vị bộ đội tăng gia được. Không khí rất rôm rả bởi tính ra thì rẻ hơn nhiều so với mua thịt lợn ở chợ. Tay dao tay thớt đã có một anh bộ đội và một thầy giáo đảm nhiệm nên không phải thuê “ba toa”. Đến khi chị hàng xóm được phân công mua hành hoa, rau thơm làm món dồi đi chợ về than thở: “Hành lá đắt khủng khiếp, hôm nay mua với giá 70 nghìn một cân đấy!” Không hẹn mà cả nhóm đụng lợn đồng thanh: Đắt thế? Chị hàng xóm nói một tràng: Không chỉ hành đâu, các loại rau, gia vị rồi nhiều thứ khác cũng thế. Tăng theo giá xăng dầu xong bây giờ chẳng chịu giảm khi giá xăng đã “tụt”.

Thế là một góc sân lại xôn xao lý lẽ, nhưng không phải chuyện đụng lợn nữa mà là việc tại sao hàng hóa chả chịu giảm theo giá xăng! Anh công nhân điện lực cho biết quán phở anh hay ăn sáng tăng 5 nghìn đồng/bát; bà giáo nghỉ hưu thì ca cẩm một hộp thuốc Hoạt huyết dưỡng não cũng tăng thêm 10 nghìn đồng...

Từ tháng 6 đến nay, giá xăng dầu đã có liên tiếp 5 lần điều chỉnh giảm. Tổng các lần giảm giá là từ hơn 7.500 - hơn 8.200 đồng/lít xăng tùy loại và 7.100 đồng/lít đối với dầu diesel. Giá xăng dầu hiện nay đã về mức tương đương cuối năm 2021.

Thế nhưng, nghịch lý là giá cả hàng hóa, tiêu dùng chưa giảm sau khi đã tăng theo giá xăng trước đây.

Khi xăng dầu tăng giá kỷ lục, từ các doanh nghiệp vận tải, sản xuất kinh doanh lớn cho đến tiểu thương buôn bán nhỏ đều kêu ca về việc tăng chi phí đầu vào, chi phí trung gian... nên cần phải điều chính tăng giá hàng hóa. Và người tiêu dùng chấp nhận sự tăng giá đó.

Nhưng nay, xăng đã giảm tương đối sâu, còn hàng hóa vẫn đứng im!

Như vậy có công bằng với người tiêu dùng?

Vẫn biết mỗi khi điều chỉnh giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ... cần phải có thời gian, nói theo thuật ngữ quản lý là phải có “độ trễ” để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh rà soát lại những chi phí, yếu tố tác động đến việc hình thành giá. Trên cơ sở đó mới xác định giảm giá như thế nào.

Tuy nhiên, cái “độ trễ” ấy phải có thời hạn nhất định, chứ không thể kéo dài hàng tháng. Như thế không còn là “trễ” nữa mà trở thành chây ỳ.

Trong kinh doanh, khi đã được hưởng mặt bằng giá bán có lợi thì rất khó để người sản xuất, người bán hàng tự giác giảm giá. Bởi làm thế sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Trong khi thực tế người tiêu dùng vẫn phải cắn răng mua hàng hóa, dịch vụ với giá cao.

Có lẽ chỉ khi nào có áp lực theo hướng “không giảm giá không bán được hàng” thì các nhà cung cấp, nhà sản xuất, kinh doanh mới điều chỉnh giảm giá.

 Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy vai trò, phải vào cuộc quyết liệt tìm các bất cập để có giải pháp điều tiết, kiểm soát lạm phát, bình ổn mặt bằng giá; kiên quyết xử lý nghiêm các vi gian thương, đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng.

Cùng với những công cụ, chế tài của cơ quan quản lý thì công tác tuyên truyền vận động cần được tăng cường và thực hiện hiệu quả để xây dựng được văn hóa kinh doanh. Khi người bán có ý thức, trách nhiệm vì lợi ích chung, đừng vụ lợi cá nhân, thì người mua mới được hưởng sự công bằng!

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top