Ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

08:22 - Thứ Hai, 22/08/2022 Lượt xem: 1974 In bài viết

ĐBP - Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay mặc dù không lớn nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu trong các lĩnh vực: Vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, nhãn mác hàng hóa, môi trường...

Đặc biệt, nổi lên tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ, nhãn mác Việt Nam để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động, lợi dụng đường mòn lối tắt, các ngày nghỉ, lễ để vận chuyển, tiêu thụ gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nhãn mác hàng hóa, vật tư, thiết bị y tế trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ; đo lường chất lượng, hạn sử dụng hàng hóa, niêm yết giá và bán theo niêm yết giá... Các mặt hàng tập trung kiểm tra chủ yếu đồ điện tử, hàng may mặc sẵn, lương thực, thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, thuốc lá, vật tư y tế. Đồng thời, mở đợt cao điểm kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022. Kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đến người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát 1.776 vụ; phát hiện bắt giữ, xử lý 999 vụ với 1.116 đối tượng vi phạm pháp luật. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 403 vụ, tịch thu 650 gói cháo gà, 120 lọ thuốc Bemadelong (thuốc say xe Hàn Quốc), 411 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ... Trị giá hàng vi phạm về nhãn hàng hóa hơn 290 triệu đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 31 triệu đồng và trị giá hàng hóa buộc chuyển đổi mục đích sử dụng 4,5 triệu đồng. Phát hiện một số cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không thực hiện niêm yết giá hoặc không niêm yết giá đầy đủ, cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử lý theo quy định của pháp luật. 

Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại; phát hiện và xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm pháp luật đã cơ bản đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Đồng thời, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đảm bảo các hoạt động kinh doanh thương mại trên thị trường đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động quảng cáo, bán hàng qua mạng. Các đối tượng trà trộn, để lẫn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với nhiều loại hàng hóa khác để vận chuyển, bày bán; tập kết, để hàng ở nhiều nơi khi có người mua mới mang đến nên khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình đối tượng, hành vi vi phạm còn hạn chế. Trình độ nhận thức pháp luật của một bộ phận thương nhân và người tiêu dùng còn hạn chế trong phân biệt giữa hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thì các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, đoàn thể, người dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tăng cường khuyến cáo người tiêu dùng “tẩy chay” hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, nói không với các loại hàng thực phẩm nghi không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu gian lận, vi phạm.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top