Xuất khẩu sang thị trường CPTPP tăng trưởng nhảy vọt

14:38 - Thứ Năm, 25/08/2022 Lượt xem: 1490 In bài viết

Đánh giá về hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ Công Thương hôm nay (24-8) cho biết, doanh nghiệp đã thể hiện khả năng thích ứng, bắt nhịp nhanh với các điều kiện của CPTPP, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt tăng trưởng nhảy vọt.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: Bộ Công Thương

Hơn 3 năm qua, thương mại toàn cầu nói chung và các đối tác trong khối các nước CPTPP nói riêng đứng trước rất nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường này vẫn tăng trưởng. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Trong đó, các thị trường xuất khẩu đạt giá trị lớn gồm: Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico, Chile.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,47 tỷ USD, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2021 và chiếm 14,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam...

Từ thực tế nêu trên, Tiến sĩ Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam đánh giá: “Các doanh nghiệp dù có những khó khăn nhưng đã bắt nhịp nhanh, linh hoạt với các điều kiện CPTPP mang lại. Chúng ta đã làm ăn xa hơn, doanh nghiệp sẵn sàng đi đến vùng đất mới, thị trường mới mà trước đây tưởng chừng như rất khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam, như Chile, Peru, Mexico…”.

Doanh nghiệp đã tận dụng các lợi thế của Hiệp định CPTPP để xuất khẩu, không chỉ các mặt hàng điện tử, dệt may, da giày… mà cả các mặt hàng nông sản, từ đó làm thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất, lưu thông hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn với các doanh nghiệp là quy tắc xuất xứ của CPTPP phức tạp hơn so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn; cũng như phải tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn hàng hóa, C/O... Ngoài ra, phải chứng minh năng lực cạnh tranh, nguồn lực của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngoài các quy định chung như xuất xứ thuần túy, xuất xứ không thuần túy, thay đổi theo hàm lượng khu vực, cũng như thay đổi về quá trình sản xuất, có chuyển đổi cơ bản giữa các dòng thuế, thì trong một số trường hợp, CPTPP yêu cầu, mô tả thêm các quy trình cụ thể của hoạt động sản xuất. Tức là có những yếu tố làm cho quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn, khó đáp ứng hơn, nhưng qua đó cũng để tránh tình trạng những nước không phải thành viên của Hiệp định có thể hưởng lợi từ các quy định này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phổ biến, tuyên truyền các cam kết cũng như quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương; tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP (nguy cơ bị điều tra áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp...).

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top