Phát triển sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử còn khó khăn

06:03 - Thứ Sáu, 16/12/2022 Lượt xem: 5114 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh xúc tiến, đưa các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Việc đưa sản phẩm lên sàn khá thuận lợi tuy nhiên việc duy trì, phát triển sản phẩm trên sàn TMĐT của các chủ thể lại đang gặp nhiều khó khăn.

Khách hàng tìm kiếm sản phẩm nông nghiệp trên các ứng dụng mạng xã hội và sàn TMĐT.

Thuận lợi đưa sản phẩm lên sàn TMĐT

Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất đã quan tâm  đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo, PostMart.vn, Voso.vn. Đồng thời đa dạng hóa các kênh bán hàng qua các mạng xã hội như facebook, zalo… Đây được coi là giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến rộng rãi và gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đã được UBND tỉnh quan tâm, chú trọng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông đưa nông sản của tỉnh lên 2 sàn giao dịch TMĐT là PostMart.vn, Voso.vn. Nhờ đó, việc đưa sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm OCOP lên không gian số đã trở nên khá dễ dàng.

Ông Vũ Văn Cảnh, Phó phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết: Sở đã phối hợp với Bưu điện tỉnh và Công ty Cổ phần bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và tham gia. Trong đó, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên phụ trách các huyện: Mường Chà, Điện Biên, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ. Bưu điện tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng và hướng dẫn người dân, chủ thể kinh tế đưa sản phẩm lên sàn TMĐT tại 6 huyện còn lại. Đến nay, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Năm 2022, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã tổ chức xuống cơ sở, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ người dân, các chủ thể kinh tế đưa sản phẩm lên sàn TMĐT.

Chị Lò Thu Trang, phụ trách kênh TMĐT, Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Công ty đã lồng ghép tập huấn, giới thiệu về giao diện sàn TMĐT Voso.vn, những tính năng ưu việt, sự thuận tiện và hiệu quả trong việc bán hàng trên sàn TMĐT để người dân, hộ sản xuất tiếp cận và tham gia giao dịch. Cùng với đó, Công ty đã hướng dẫn các hộ sản xuất cách sử dụng, vận hành và quản lý tài khoản, gian hàng trên nền tảng số. Đến nay, đã có nhiều hộ sản xuất tìm hiểu, đăng ký mở gian hàng, tài khoản trên sàn TMĐT Voso.vn.

Theo thống kê, tại sàn PostMart.vn đã có 787 hộ sản xuất được kích hoạt tài khoản; 129 gian hàng được khởi tạo và có 51 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn. Đối với sàn Voso.vn đã có 98 gian hàng và 100 sản phẩm. Trong đó, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt trên nhiều sàn TMĐT.

Khó vận hành, quản lý gian hàng

Phát triển sản phẩm trên sàn TMĐT không chỉ dừng lại ở việc tạo tài khoản, gian hàng trên không gian số mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể kinh tế phải có kiến thức quản lý gian hàng, chạy quảng cáo, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hợp lý, phù hợp với xu thế chung của thị trường... thì mới có nhiều lượt khách hàng ghé thăm, mua, sử dụng và đánh giá sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay các chủ thể kinh tế của sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản Điện Biên nói chung chưa thực hiện được những điều kiện đó. Hầu hết các chủ thể chỉ mới đẩy sản phẩm lên sàn và để sản phẩm, gian hàng của mình trôi nổi trên không gian mạng.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh, một chủ gian hàng trên sàn TMĐT Shopee cho biết: Hiện nay, khách hàng lên Shopee tìm sản phẩm OCOP Điện Biên thì rất nhiều sản phẩm, mẫu mã và nhiều mức giá khác nhau hiện ra. Tuy nhiên rất khó tìm thấy sản phẩm của các chủ thể kinh tế chính thức của sản phẩm. Nguyên nhân là do các chủ thể kinh tế không dành thời gian chăm sóc gian hàng, không chạy quảng cáo, chạy đánh giá sản phẩm… Sàn TMĐT có tính năng tự động ưu tiên những gian hàng có hình thức đẹp, thường xuyên chạy quảng cáo, có nhiều lượt khách hàng ghé thăm và phản hồi. Gian hàng nào làm tốt việc đó sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn, từ đó bán được nhiều hàng hơn.

Hợp tác xã Ong mật Điện Biên là chủ thể kinh tế duy nhất của tỉnh sở hữu 2 sản phẩm OCOP 4 sao. Hợp tác xã đã đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT như: Shopee, Lazada, Sendo, PostMart.vn, Voso.vn. Tuy nhiên đến nay, việc bán hàng trên sàn không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Hợp tác xã Ong mật Điện Biên cho biết: TMĐT là xu thế phát triển hiện nay của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để chúng tôi chú trọng đẩy mạnh hình thức bán hàng này. Bởi vì hiện nay việc bán hàng theo đơn đặt hàng truyền thống đang là phương thức bán hàng ưu thế của hợp tác xã. Nếu chú trọng vào sàn TMĐT, chúng tôi phải cắt cử 1 - 2 nhân lực thực hiện các công việc chăm sóc gian hàng, chạy quảng cáo... Với quy mô hiện tại, Hợp tác xã chưa thực hiện được việc đó.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top