Thận trọng khi chuyển đổi cây trồng mới

08:57 - Thứ Bảy, 29/04/2023 Lượt xem: 2803 In bài viết

ĐBP - Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Điện Biên khuyến khích các địa phương, người dân chuyển cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả như: Bưởi, xoài, mít, ổi... Tuy nhiên, bên cạnh cây trồng được khuyến khích và theo quy hoạch, kế hoạch thì hiện nay một số loại cây trồng mới được người dân đưa vào trồng tự phát. Trong khi nhiều loại giống cây chưa được khảo nghiệm, thí điểm, không bảo đảm chất lượng có thể khiến người dân “tiền mất tật mang”.

Mít Thái là một trong những cây trồng mới đang được người dân trồng nhiều. Trong ảnh: Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra thực tế dự án trồng mít Thái trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều loại cây trồng mới được đưa vào sản xuất, thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả. Tuy nhiên, không phải loại cây trồng nào cũng mang lại hiệu quả cho người dân; thậm chí có loại cây trồng được xây dựng cả mô hình liên kết, có sự tham gia của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn thất bại.

Điển hình là cây chanh leo. Vài năm trở về trước, cây chanh leo được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đưa vào trồng và kỳ vọng sẽ là loại cây chủ lực giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Do đó, nhiều diện tích trồng cây kém hiệu quả được người dân chuyển sang trồng chanh leo; trong đó, huyện Mường Ảng 32ha, Tuần Giáo 23ha và Điện Biên 6ha… và nhiều diện tích người dân trồng tự phát. Tuy nhiên, niềm vui của những người dân trồng chanh leo “ngắn chẳng tày gang”. Như mô hình chanh leo liên kết triển khai trên địa bàn xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) từ năm 2019, nhưng qua đánh giá mô hình không đem lại hiệu quả so với các loại cây trồng khác. Đầu ra gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh nên ngay sau vụ thu hoạch đầu, người dân đã không còn duy trì. Đến nay, tất cả các diện tích trồng tranh leo trên địa bàn xã đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

Thời gian vừa qua, tại một số huyện, nhất là trên địa bàn huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên, dù chưa có thông tin đầy đủ về quy hoạch vùng trồng và các thông tin về chế biến, thị trường, đầu ra cho sản phẩm từ cây quế, nhưng người dân đã ồ ạt trồng quế.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, kế hoạch năm 2023, huyện Mường Nhé trồng khoảng 400ha quế. Thời gian qua, huyện triển khai cho người dân đăng ký trồng trong quy hoạch, tuy nhiên thực tế diện tích người dân đăng ký trồng lớn, nhiều diện tích nằm ngoài quy hoạch. Hiện nay, huyện đang tiến hành rà soát đối với những diện tích người dân đăng ký nằm trong quy hoạch để hỗ trợ. Còn đối với diện tích ngoài quy hoạch, người dân trồng tự phát, tự mua cây giống về trồng, huyện khuyến cáo người dân không phát triển ồ ạt. 

Tại huyện Nậm Pồ, bên cạnh mô hình trồng quế do cơ quan chức năng triển khai, thì người dân ở nhiều xã đã tự ý chuyển đổi các loại cây trồng khác sang trồng quế. Thế nhưng, điều đáng nói, do tự phát nên người dân không nắm rõ nguồn gốc cây giống, khung lịch thời vụ trồng, dẫn đến nhiều diện tích cây quế bị chết.

Thực trạng người dân trồng quế kiểu phong trào tự phát, trong khi chưa nắm rõ nguồn gốc, chất lượng và sự phù hợp của cây trồng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi việc trồng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch của cơ quan chức năng dễ xảy ra tình trạng phá vỡ quy hoạch, gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi đất nương sang trồng quế trên địa bàn tỉnh giao 7ha, thế nhưng đã có 80ha được người dân chuyển đổi sang trồng quế.

Cũng như cây chanh leo trước đây, người dân trồng cây quế cũng chưa biết rõ năng suất, khâu tiêu thụ và đặc biệt hiệu quả kinh tế thế nào, nhưng vẫn tự trồng. Trên thực tế còn nhiều cây trồng khác do người dân tự phát trồng, nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Nguyên nhân là khi trồng các loại giống cây trồng mới, người dân không có kinh nghiệm cũng như kiến thức trồng và chăm sóc, dẫn đến tỷ lệ cây chết cao, hoặc chậm phát triển. Theo thống kê, trong năm 2022, tổng diện tích chuyển đổi trên đất trồng lúa hơn 1.583ha; trong đó diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 471ha và diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hơn 1.112ha. Các diện tích chuyển đổi chủ yếu trồng các loại cây: Mít Thái, bơ, dổi, dược liệu, na, xoài... song trong đó có nhiều loại cây trồng chuyển đổi chưa đem lại hiệu quả.

Việc người dân tự ý chuyển đổi cây trồng, nhất là đối với những loại cây trồng mới sẽ có nguy cơ để lại nhiều hệ lụy, như tiêu thụ gặp khó khăn, không có đơn vị bao tiêu sản phẩm; nguồn gốc cây giống trôi nổi, không có xuất xứ rõ ràng, chưa được kiểm nghiệm, thí điểm dẫn đến cây giống kém chất lượng. Vì thế, khi đưa vào sản xuất, người dân dù tốn nhiều chi phí, công sức, thời gian, nhưng hiệu quả lại thấp. Không chỉ ảnh hưởng đến người dân, việc tự phát chuyển đổi cây trồng còn làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Chuyển đổi cây trồng theo đúng quy hoạch sẽ phát huy hiệu quả tốt, mang lại giá trị cao. Ngược lại, nếu phát triển quá “nóng” sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, rủi ro. Do đó, khi chuyển đổi cây trồng, nhất là cây trồng mới, người dân cần phải thận trọng để lựa chọn những loại cây phù hợp. Tuyệt đối không nên chạy theo phong trào mà bỏ qua các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Về phía chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân sản xuất theo quy hoạch, kiểm tra việc thực hiện và có những điều chỉnh phù hợp thực tế; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu, không tự ý trồng các loại cây trồng mới chưa được thí điểm, đánh giá năng suất, hiệu quả.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top