Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống mây tre đan

07:10 - Thứ Ba, 02/05/2023 Lượt xem: 3014 In bài viết

ĐBP - Nà Tấu 1 là bản trung tâm xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) với khoảng hơn 100 hộ người dân tộc Thái sinh sống. Trước đây, người dân bản Nà Tấu 1 sống chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản phụ. Do đó, nghề đan lát sản phẩm thủ công từ mây, tre, nứa như: Đó, nơm, giỏ, rổ, rá, nong, nia... đã gắn liền với đời sống người dân nơi đây từ xa xưa.

Ông Quàng Văn Thích, bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu làm ghế mây truyền thống dân tộc Thái.

Năm 2010, Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Nà Tấu được thành lập, mở ra một hướng phát triển mới tại địa phương, với 22 thành viên, đều là người trong bản. Thời gian đầu, HTX tận dụng nguồn lao động tại chỗ, nguyên liệu có sẵn trong rừng chỉ việc lên rừng khai thác và sản xuất. Sản phẩm làm ra cơ bản cung cấp tại thị trường TP. Điện Biên Phủ. Do đó, HTX hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, sau 3 - 4 năm, nguồn nguyên liệu khan hiếm, phải mua và vận chuyển từ các địa phương khác. Đồng thời, thị trường nội tỉnh bão hòa về sản phẩm mây tre đan. Chi phí đầu vào lớn, sản phẩm làm ra khó bán, lợi nhuận và hiệu quả kinh tế thấp đã khiến nhiều thành viên không sống được với nghề buộc phải tìm việc làm khác. Có thời điểm, HTX chỉ còn lại một số thành viên cao tuổi, hoạt động cầm chừng. Ông Lò Văn Cương, Giám đốc HTX Mây tre đan Nà Tấu cho biết: “Thời điểm khó khăn, HTX vừa thiếu nhân lực, thiếu nguyên liệu và cơ sở vật chất phục vụ sản xuất. Các thành viên chỉ tranh thủ thời gian nông nhàn, rảnh rỗi để sản xuất các sản phẩm nên HTX chỉ hoạt động khoảng 4 tháng/năm”.

Ông Quàng Văn Thích đã có trên 50 năm gắn bó với nghề truyền thống đan mây tre. Dù tuổi đã cao song hàng ngày ông vẫn tranh thủ thời gian rảnh để làm nghề. Ông Thích cho biết: Mặc dù khó khăn song chúng tôi vẫn gắn bó, cố gắng duy trì với mục đích không để mai một nghề truyền thống của dân tộc. Hiện nay, nguồn nhân lực kế cận của làng nghề đang ít dần. Do đó, chúng tôi tranh thủ mọi thời gian để định hướng, dạy nghề cho con cháu nhằm bảo tồn nghề truyền thống”.

Hiện nay, HTX Mây tre đan Nà Tấu chỉ còn 18 thành viên. Năm 2021 HTX đạt lợi nhuận 270 triệu đồng; thu nhập bình quân mỗi thành viên HTX đạt từ 1 - 2 triệu đồng/tháng.

Trước thực trạng làng nghề truyền thống mây tre đan Nà Tấu hoạt động khó khăn và có nguy cơ bị mai một, UBND TP. Điện Biên Phủ đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ HTX duy trì và phát triển. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực tiếp hướng dẫn HTX về tổ chức bộ máy, xây dựng kế hoạch sản xuất, chiến lược kinh doanh hàng năm. Đồng thời, phối hợp, kết nối với các sở, ngành của tỉnh giới thiệu, quảng bá và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, tại tất cả các hội chợ thương mại, triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, sản phẩm mây tre đan Nà Tấu luôn được tạo điều kiện để giới thiệu và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND TP. Điện Biên Phủ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đưa sản phẩm mây tre đan Nà Tấu vào danh sách các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Đặc biệt, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận nghề truyền thống mây tre đan Nà Tấu. Việc được đón Bằng công nhận Nghề truyền thống là niềm vinh dự, tự hào của người dân bản Nà Tấu 1. Đồng thời, đây cũng là nguồn động lực lớn để HTX Mây tre đan Nà Tấu và các thành viên nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: Thời gian tới, UBND TP. Điện Biên Phủ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và cấp ủy, chính quyền xã Nà Tấu tăng cường tuyên truyền, vận động các thành viên HTX Mây tre đan Nà Tấu giữ gìn và phát huy nghề truyền thống dân tộc. Đồng thời, thành phố chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau. Một mặt tiếp cận thị trường thông qua thông qua các website, sàn giao dịch thương mại điện tử, hội chợ triển lãm. Mặt khác, thành phố sẽ nghiên cứu, xây dựng các mô hình, dự án kết hợp du lịch nông thôn gắn với quảng bá giới thiệu sản phẩm nghề mây tre đan truyền thống.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top