Phát huy vai trò chủ lực đầu tư cho “tam nông”

06:52 - Chủ Nhật, 28/05/2023 Lượt xem: 4275 In bài viết

ĐBP - Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, những năm qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Điện Biên (Agribank Điện Biên) luôn quan tâm mở rộng tín dụng, đưa nguồn vốn đến người dân. Từ nguồn vốn này nhiều mô hình kinh tế đã phát huy hiệu quả, trong đó có những mô hình cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, đóng góp quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Agribank Điện Biên.

Thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển “tam nông”, Agribank Điện Biên đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trực thuộc và phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện cho vay vốn. Những năm gần đây, Agribank Điện Biên luôn duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này trên 50% so với tổng dư nợ. Qua đó hỗ trợ tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp; nhiều hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tín dụng đen.

Nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi dịch bệnh, thời tiết, thiên tai. Theo Agribank Điện Biên, đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, trong khi đó bảo hiểm cho các đối tượng này còn hạn chế. Cơ chế chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người vay và cho vay do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh...) chưa nhiều. Nhận thức của người dân, nhất là việc cập nhật, tiếp cận thông tin còn hạn chế, ảnh hưởng đến triển khai tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, địa bàn vùng cao, nhỏ lẻ cũng gây khó khăn cho việc tổ chức triển khai các dự án mục tiêu đối với nông nghiệp, nông thôn như: Dự án nông nghiệp công nghệ cao; Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp...

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Agribank Điện Biên: Để chính sách đến với người dân có hiệu quả, Agribank Điện Biên kịp thời cập nhật và áp dụng đầy đủ, kịp thời những bổ sung, sửa đổi các quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về cho vay vốn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay và dịch vụ tài chính; tăng cường cải tiến, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho vay, đơn giản hóa hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng.

Agribank Điện Biên cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo cho vay nông nghiệp, nông thôn. Thường xuyên năm bắt tình hình phát triển kinh tế của địa phương để kịp thời đầu tư cho vay có hiệu quả, hạn chế rủi ro. Triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Thông qua nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đơn cử, trước đây gia đình bà Cà Thị Phanh, bản Nà Ten, xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) kinh tế không ổn định do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và chưa biết áp dụng kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Năm 2019 được vay vốn “tam nông”, bà Phanh đầu tư chăn nuôi (gà, dê, lợn rừng, cá) và trồng trọt, mô hình mang lại hiệu quả; trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bà Phanh mong muốn tiếp tục được tiếp cận các nguồn vốn mới để mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho vay “tam nông”, hoạt động của Agribank Điện Biên thực sự gần gũi với người nông dân. Đồng vốn của Agribank Điện Biên đã tạo thêm nghề mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ… Agribank Điện Biên đã trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ vốn đắc lực cho hộ nông dân vươn lên trong sản xuất kinh doanh, góp phần vào những thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 19/5, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt hơn 3.793 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay trong lĩnh vực “tam nông” chiếm  54,6% tổng dư nợ. Đến nay toàn tỉnh có 14.794 khách hàng đã được tiếp cận nguồn vốn “tam nông” và phát huy hiệu quả đồng vốn.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top