Thêm một vụ lúa đông xuân thắng lợi

08:31 - Thứ Tư, 07/06/2023 Lượt xem: 3504 In bài viết

ĐBP - Vụ đông xuân niên vụ 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo cấy 9.885,7ha/9.685,9ha đạt 102,1% kế hoạch, tăng 109,7ha so với vụ đông xuân năm 2022. Trong đó, diện tích gieo thẳng đạt 8.926,6ha, chiếm 90,3% tổng diện tích gieo cấy, tăng 304,7ha so với vụ đông xuân năm trước. Cơ cấu giống gồm: Lúa thuần 9.862,7ha (chiếm 99,8% tổng diện tích gieo cấy) còn lại là các giống lúa lai. Năng suất ước đạt 60,7 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 60.053,9 tấn, đạt 102,6% kế hoạch, tăng 954 tấn so với vụ đông xuân năm 2022.

Nông dân đội C9C, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) thu hoạch lúa đông xuân năm 2022 - 2023.

Ông Phạm Đình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Trong vụ đông xuân 2022 - 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc đã chỉ đạo sản xuất, phòng chống sinh vật gây hại trên các cây trồng chủ lực, quản lý vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời xác định cơ cấu thời vụ, giống, các giải pháp kỹ thuật phù hợp với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng; cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về diễn biến phát sinh, biện pháp quản lý và kỹ thuật phòng trừ đối với từng đối tượng sinh vật gây hại cây trồng để chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, chính quyền cấp huyện đã chủ động xây dựng lịch thời vụ, kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện từng địa phương, kế hoạch phòng chống hạn hán bảo vệ sản xuất và tổ chức kiểm tra, phối hợp với chính quyền cấp xã hướng dẫn phòng chống sinh vật gây hại cho cây lúa kịp thời.

Vụ đông xuân năm nay, các địa phương tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất là 8.785,2ha (chiếm 88,9% diện tích gieo cấy); cơ giới hóa trong gieo cấy là 345,8ha (chiếm 3,5% diện tích); cơ giới hóa trong thu hoạch 5.347,2ha (chiếm 54,1% diện tích); tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa công nghệ cao trong trong chế biến là 1.506,6ha (chiếm 15,2% diện tích). Bên cạnh đó, các địa phương đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới giúp tăng năng suất, sản lượng và tăng hiệu quả kinh tế. Điển hình như, mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật máy cấy trong sản xuất lúa thực hiện tại huyện Điện Biên với quy mô 325,8ha; cuối vụ giá bán thóc tăng so với sản xuất đại trà 1,5 - 2 triệu đồng/tấn, tỷ lệ gạo sát đạt trên 70%. Hay mô hình áp dụng giống mới Đài thơm 8, Dự hương 8 tại huyện Tủa Chùa với quy mô 85ha kết hợp bón phân hữu cơ nên ít bị sâu bệnh, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất đạt 80 tạ/ha, sản lượng 680 tấn.

Có thể nói, niên vụ 2022 - 2023 là vụ sản xuất lúa đông xuân khó khăn nhất trong nhiều năm qua vì thời tiết khô hạn kéo dài; nhiều diện tích lúa đối mặt với nguy cơ thiếu nước, nhất là giai đoạn cây lúa làm đòng, trổ bông. Nhờ làm tốt công tác dự báo, ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình, tổ chức kiểm tra thực địa công tác vận hành, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý, khai thác, điều tiết vận hành công trình thủy lợi, hồ chứa đã chủ động xây dựng kế hoạch nạo vét kênh mương, đầu mối, cửa cống lấy nước; tu bổ, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp... Phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra 13 công trình hồ chứa nước thuộc cấp tỉnh quản lý, kịp thời xử lý, khắc phục đảm bảo nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất. Đảm bảo cấp nước cho cây lúa với diện tích 9.392,8ha (đạt 99,4% so với kế hoạch), trong đó: Các công trình thủy lợi cấp tỉnh cung cấp nước cho 5.088ha (đạt 100% kế hoạch); công trình thủy lợi cấp huyện cung cấp nước cho 4.304,8ha/4.363,7ha (đạt 98,7% kế hoạch).  

Ông Lò Văn Bun, Cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) cho biết: Vụ đông xuân năm nay, xã Thanh Xương gieo cấy 300ha lúa. Vụ này, xã Thanh Xương đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng máy cấy gắn động cơ trong khâu xuống giống thay cho phương pháp gieo thẳng truyền thống. Hiện nay, nông dân xã Thanh Xương đã tiến hành cơ giới hóa 3/4 khâu sản xuất lúa (chỉ còn khâu phun thuốc bảo vệ thực vật chưa cơ giới hóa). Nhờ đó giúp người dân giảm sức lao động, chi phí đầu tư, đồng thời tăng năng suất, sản lượng và giá trị lúa. Năng suất lúa bình quân đạt 65,77 tạ/ha, vượt kế hoạch đề ra.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Điểm thuận lợi của vụ đông xuân năm nay là các xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm nên công tác chỉ đạo sản xuất kịp thời, đúng tiến độ. Cùng với đó, người dân tuân thủ khung lịch thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng sản xuất trên địa bàn. Ngoài ra, việc điều tra, dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại được cơ quan chức năng triển khai kịp thời nên hạn chế tối đa ảnh hưởng sâu bệnh. Do đó các đối tượng sâu bệnh được quản lý trong ngưỡng an toàn, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông năm nay gần như không ảnh hưởng nhiều. Nhờ chủ động trong sản xuất, huyện Điện Biên có vụ đông xuân thắng lợi. Năng suất lúa bình quân đạt 64 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha so với vụ đông xuân 2021 - 2022 và kế hoạch vụ đông xuân năm nay đề ra), sản lượng ước đạt gần 27.000 tấn (vượt gần 600 tấn so với kế hoạch). Những xã như: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên, Noong Hẹt, Thanh Chăn, năng suất đạt gần 70 tạ/ha.

Bên cạnh những kết quả tích cực về diện tích, năng suất, sản lượng, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh đã duy trì và phát triển được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao: Tuần Giáo (323ha); Mường Ảng (647,1ha); lòng chảo huyện Điện Biên (3.376,6ha); TP. Điện Biên Phủ (750,7ha).

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top